Sau trận đấu này, giá ở thời của cụ Ngô Tất Tố đang "nổi" với tác phẩm "Lều chõng", người ta có thể bảo: "Chậc! Văn tài mình chả kém gì chúng bạn. Bị đánh hỏng, chả đỗ đạt được bởi mình phạm huý". Lực ngang bằng nhau nhưng hai lần "phạm huý" của Tấn Trường làm đội tuyển Việt Nam thất bại và làm CĐV Việt Nam chìm trong điêu linh.
Mò về tận Gia Lâm, Hà Nội xem bóng với mấy vị đất trồng rau xã Đông Dư thấy tình yêu là một cái gì đấy có giá.
Trước trận đấu, mấy CĐV, dù là ND sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập rõ cao những vẫn ôm mối hận lớn: Hận vì nước bạn quá xa, hận vì thể thức đá kiểu "lượt đi, lượt về" và quan trọng là... hận túi tiền của mình chả đáp ứng được cho chuyến du ngoại.
Thế mà khi tôi an ủi: "Buồn làm gì, sang đấy mà mình thua lại chả vác mối hận mà về", mấy ông quay sang khẽ khàng bảo tôi "Điên à?", một bác có tuổi thì lịch sự hơn "Anh có dở không đấy?".
Lúc Vũ Phong sút xa một cú nguy hiểm, mấy ông còn "ví nho" bằng kiến thức học mót trên phim Tầu: "Vũ Phong lại làm mưa, làm gió". Khiếp lên được.
Buồn cười là sau bàn thua khi Tấn Trường, các bác nông dân ví là "ôm bóng ném vào lưới", phần đông trong đám CĐV ấy lại cười phớ lớ. Mấy người quê xứ Nghệ tươi cười bảo nhau: "Biết ngay mà! Sao không để Hồng Sơn (người Nghệ An - PV) bắt". Thế mà lúc bị thua "ngớ ngẩn" lần hai, họ tái mặt bảo nhau: "Thôi! Cứ mong như cụ Trứ là được". Cụ Nguyễn Công Trứ lần đầu đi thi bị đánh hỏng vì cái tội "phạm huý", sau đấy thi "lượt về" lại đỗ cao, uy danh lẫy lừng.
Xin các bố! Cụ Trứ phạm lỗi một lần còn được, chú Trường "phạm huý" hai bận... Thời cụ Trứ, phạm húy hai lần là “xử giảo”.
Tàn trận đấu, mấy ông vùng đất rau Hà Nội cười ngoác miệng: "Đừng cho tên bọn tớ lên báo, thua thế này, người ta đọc lại chửi cho".
Nam Hải