Dân Việt

Xử phạt người ngoại tình: Đừng xây dựng luật “cho có, cho đẹp”

18/03/2013 06:34 GMT+7
(Dân Việt) - “Nghị định là nhằm hiện thực hoá, để luật pháp được thực thi. Nhưng nếu ngay từ văn bản, nghị định đã “đánh đố” cả người thi hành và nhân dân thì sẽ khiến niềm tin của người dân bị giảm sút”.

Ông Phạm Vũ Thiên- Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số trao đổi với phóng viên NTNN.

img
 Ông Phạm Vũ Thiên

Ông nhận định thế nào về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp mà Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, trong đó có điều khoản: Phạt 200.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi ngoại tình?

- Lại thêm một dự thảo khó thực thi, đánh đố người thi hành và khiến người dân cảm thấy tức cười hơn là vui mừng vì quyền lợi chính đáng của mình được bảo vệ. Ngoại trừ việc kết hôn (có giấy đăng ký kết hôn) là vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng thì cụm từ “chung sống như vợ chồng” là rất khó bắt được quả tang, cũng “đánh đố” người thi hành luật.

Thế nào là “chung sống như vợ chồng”? Là người cùng một nhà hay người góp gạo thổi cơm chung hay người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân? Thực tế, nếu có bà vợ nào bắt tận tay cảnh chồng mình “trai trên gái dưới” với người khác thì anh ta vẫn có thể cãi anh ta chỉ “đi nhà nghỉ” chứ không “chung sống như vợ chồng”.

Xưa nay, Luật Hôn nhân và Gia đình vẫn có điều khoản nghiêm cấm “chung sống như vợ chồng” chứ không cấm “quan hệ tình dục” với người khác ngoài vợ (chồng) mình. Cũng rất ít bà vợ nào dành được “quyền lợi” khi ra toà tranh cãi về vấn đề chồng mình “chung sống như vợ chồng” với người khác. Như vậy sẽ cần đưa thêm nhiều định nghĩa mới vào dự thảo này thì nghị định mới có thể thực hiện.

Nếu phạt tiền thì có khiến người ngoại tình sợ mà quay về với gia đình?

- Đó cũng là vấn đề “vô lý” của dự thảo nghị định này. Việc phạt tiền khi vợ (chồng) ngoại tình chẳng khác nào đăng ký kết hôn là “hợp đồng kinh tế” mà khi một bên đơn phương phá vỡ hợp đồng thì phải đền bù. Như vậy khác nào “quy ra thóc” cả yêu thương.

Nếu như làm vợ (chồng) tổn thương, khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ (hoặc nguy cơ tan vỡ) mà chỉ phải trả 200.000 đồng thì sẽ là một điều giễu cợt đối với những người bị “cắm sừng”. Có thể, người ta cho rằng cứ ngoại tình rồi trả tiền phạt 200.000 đồng là “xong chuyện”, là rũ sạch tội lỗi.

Thông thường, khi tình cảm vợ chồng tan vỡ, khuyết thiếu khiến người ta tìm cách bù đắp ở bên ngoài bằng mối quan hệ vụng trộm. Rõ ràng, phạt tiền hay răn đe đều không thể hàn gắn, “bù đắp” lại giá trị tình cảm đã mất đi.

Về tính thiếu khả thi của một số đề xuất, ông Thiên nêu thêm ví dụ: “Đề xuất hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mục đích của đề án rất tốt, nhưng tôi cũng không hiểu sẽ thực hiện bằng cách nào. Đơn giản, người ta sinh 2 con gái là được thưởng, nhưng ai có thể kiểm soát được sau đó họ sinh thêm con, lúc đó chẳng nhẽ đi “truy thu” tiền thưởng hay là thưởng tiền rồi yêu cầu họ triệt sản?”.

Như vậy, theo ông thì việc thực hiện nghị định theo dự thảo này thiếu tính khả thi?

- Đương nhiên là quy định như thế sẽ làm khó cho người thi hành luật, ngay từ “định nghĩa” thì cũng rất khó áp dụng vào thực tế. Ai sẽ là người đứng ra “bắt quả tang” việc ngoại tình, bằng chứng sẽ được thu thập theo “quy trình” nào? Đó là ảnh chụp hay video quay tại trận, hay là những chứng từ, hoá đơn chi tiêu, hay qua lời tố cáo…?

Ai là người tố cáo hành vi này, người bị cắm sừng hay chỉ cần họ hàng, hay đồng nghiệp…? Nếu không quy định rõ ràng thì việc tố cáo ngoại tình có thể trở thành “chiêu bài” để nhiều người trục lợi cá nhân chứ không nhằm “bảo vệ hạnh phúc gia đình” như mục đích tốt đẹp ban đầu của dự thảo.

Hơn nữa, việc tố cáo, phạt tiền có thể khiến vợ chồng lục đục hơn, ghét nhau hơn, gia đình mới rạn nứt nhưng vì luật pháp vào cuộc mà tan vỡ luôn. Lúc đó, ai là người chịu trách nhiệm, luật nào “phạt tiền” luật xử phạt đó?

Tôi thấy ông luôn nhấn mạnh về “tính hài hước” khi luật pháp không thực thi được...

- Vì tôi mong muốn việc thực thi luật được nghiêm túc. Mỗi khi có luật mới, người dân đều trông chờ vào tính ưu việt, nhân văn, công bằng của luật và mong mỏi luật được cụ thể hoá bằng các nghị định, thông tư. Nhưng ngay từ dự thảo văn bản mà đã thể hiện “làm khó” người dân và cả người thực thi thì sẽ khiến nó bị “vô hiệu lực” khi thành hiện thực.

Điều này tạo thành những tiền lệ xấu, khiến người dân mất đi niềm tin vào sự công bằng, mất đi sự nghiêm túc trong việc chấp hành luật pháp. Người bị hại thì nản chí, người gây hại tặc lưỡi “chả ai phạt được”, như thế có khác nào “đánh bùn sang ao”, công sức của cả một bộ máy làm luật đồ sộ đổ sông đổ bể. Nhưng đáng tiếc, càng ngày càng có nhiều văn bản pháp luật không thể thực thi được ngay từ văn bản.

Vậy theo ông, cần thêm các biện pháp gì để thực thi chính sách cho hiệu quả và nhân văn?

- Cũng có ý kiến rằng, biết rằng khó thực hiện nhưng vẫn phải “luật hoá” cho đầy đủ nhằm răn đe và thay đổi hành vi. Tuy nhiên, nếu nó không khả thi, tạo nên tranh cãi thì rõ ràng không thể mang tính răn đe người vi phạm mà còn khiến họ nhờn luật, coi thường luật.

Vì thế, nếu những điều khoản nào khó thực thi thì những nhà làm luật nên để trong mục “tuyên truyền, giáo dục” chứ không nên đề thành điều khoản xử phạt. Còn khi đã xử phạt thì cần xây dựng chặt chẽ những điều kiện để hiện thực hoá, đồng thời cần có đội ngũ đồng bộ để thực thi chứ không phải chỉ đề ra văn bản luật hay dưới luật cho có, cho đẹp.