Dân Việt

Hội Nghề cá phản đối Trung Quốc

17/05/2013 07:02 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 16.5, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại T.Ư về việc phản đối phía Trung Quốc (TQ) vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, việc TQ đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2013 từ 12 giờ ngày 16.5 đến 12 giờ ngày 1.8, với phạm vi gồm cả một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Hội Nghề cá kịch liệt phản đối những hành động sai trái, ngang ngược, có hệ thống của phía TQ. Đồng thời, yêu cầu TQ chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động trên. Hội cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn những hành động vi phạm của TQ, yêu cầu TQ rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm bảo vệ sản xuất và tài nguyên biển, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trao đổi với NNNN, ông Trần Cao Mưu – Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng: “Vào mùa cá di cư sinh sản, việc thực hiện lệnh cấm của TQ là rất tốt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc thực hiện lệnh cấm cả một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là thể hiện sự ngang ngược của phía TQ. Vì vậy, Hội Nghề cá đã có văn bản đề nghị các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư… tăng cường sự hiện hữu để bảo vệ ngư dân ra khơi đánh bắt cá”.

Theo ông Mưu, việc ngư dân ra khơi đánh bắt cá không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế đối với họ, mà còn có ý nghĩa lớn hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Nghề cá sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, thực hiện đúng luật pháp quốc tế về biển, hợp tác hỗ trợ nhau trong sản xuất để đạt hiệu quả cao”.