Lớn lên, công tác trong ngành ngân hàng, tiếp cận với nhiều người nghèo đi vay vốn, tôi càng cảm thông với hoàn cảnh, cuộc sống của họ. Bởi thế, tôi luôn tìm cách giúp đỡ họ trong khả năng của mình.
Chị Tòng Thị Tươi. |
Từ khi đến với vị trí quản lý trong Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), mong mỏi giúp đỡ những người dân vơi bớt nghèo khổ trong tôi có thêm điều kiện để thực hiện tốt hơn. Nhưng tôi cũng biết dân nghèo thì nghèo nhiều thứ lắm nên có vốn chưa chắc đã xoá được nghèo. Bởi thế tôi đã dành nhiều thời gian để đến với tất cả những vùng khó khăn ở 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Có người hỏi tôi: Làm Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh mà sao đi nhiều, lại toàn đến vùng khó khăn? Tôi bảo: Vốn Ngân hàng CSXH chủ yếu dành cho người nghèo. Họ vay vốn để dựng nhà cửa, mua sắm trâu, bò, lợn; phát triển sản xuất...
Nhưng đồng vốn ấy chỉ phát huy được hiệu quả cao khi nó được kết hợp với cách tính toán đầu tư hợp lý. Nếu mình không đến với họ, làm sao biết họ vay vốn có hợp lý không, đầu tư như vậy có đúng không, hiệu quả đạt ở mức nào.
Khi đi kiểm tra hiệu quả sử dụng đồng vốn vay hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 30a ở Phù Yên, tôi rất vui khi thấy đồng vốn của Ngân hàng CSXH đã phát huy tác dụng rất cao với cả ngàn hộ dân có nhà cửa mới vững chãi. Nhưng tôi cũng thấy buồn khi có những mục tiêu rất cần vốn để thực hiện mà nguồn hạn chế.
Nhờ đi nhiều, nắm bắt được những nhu cầu sát thực và hiện trạng đời sống của nhân dân nên hiệu quả tham mưu, quản lý đồng vốn và hoàn thiện cơ chế cho vay cũng như thu hồi vốn của chúng tôi đạt kết quả cao hơn.
Tôi nghĩ, tuy hầu hết đối tượng vay vốn của chúng tôi đều rất khó khăn nhưng nếu mình bám sát địa bàn, nắm được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; đôn đốc cán bộ làm tốt công tác tư vấn, quản lý, kiểm tra thì không những giảm thiểu, loại trừ được khả năng nợ xấu, nợ khó đòi mà đời sống người dân cũng được cải thiện tích cực nhờ hiệu quả sử dụng vốn đạt cao hơn.
Chị Tòng Thị Tươi - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sơn La.
Kiều Thiện (ghi)