Đất nông nghiệp vẫn nóng
Bà Vũ Mậu Trịnh (Đông Hưng, Thái Bình) đặt câu hỏi: Năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo Nghị định 64. Làm thế nào để việc gia hạn đất nông nghiệp cho người dân tiếp tục sử dụng được thuận tiện, bớt thủ tục hành chính?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, bộ đã có tham mưu cho Chính phủ các giải pháp xử lý vấn đề này để trình lên Quốc hội. Thời hạn sử dụng đất, thẩm quyền quyết định, theo luật là thuộc về Quốc hội. Do đó, việc quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Quang cảnh cuộc đối thoại ngày 6.4. |
Trong khi chưa sửa Luật Đất đai năm 2003 thì vẫn áp dụng luật hiện hành. Tuy nhiên, có một số loại đất không thuộc các trường hợp trên như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ TNMT nghiên cứu, xây dựng.
“Chúng tôi đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, khi hết thời hạn, đối với những loại đất nêu trên, theo luật hiện hành sẽ tiếp tục cấp sổ đỏ” - Bộ trưởng khẳng định.
Ông cho biết thêm: Quan điểm của Chính phủ là đất nông nghiệp nên giao ổn định, lâu dài. Hiện nay, chúng ta tiến hành dồn điền đổi thửa thì có sắp xếp lại đất đai. Ngoài ra, có thể có điều chỉnh nhất định đối với một số trường hợp nhất định như gia đình có người mất, không làm nông nghiệp nữa, chuyển đi nơi khác… “Phải phấn đấu để tới 2020, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35% dân số, khi ấy đất nông nghiệp sẽ không còn là vấn đề quá nóng, quá bức xúc nữa” - Bộ trưởng nói.
Quy hoạch đất còn thiếu chuyên nghiệp
Trả lời câu hỏi của độc giả Thu Nga (Ứng Hòa, Hà Nội) về trách nhiệm của Bộ TNMT đối với tình trạng quy hoạch đất đô thị, đất nông nghiệp thiếu chuyên nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Quang đã thừa nhận, thời gian qua, công tác xây dựng quy hoạch sử dụng đất bộc lộ nhiều hạn chế, đây là trách nhiệm của cả hệ thống, trong đó có trách nhiệm của Bộ TNMT.
“Tôi rất đồng tình với ý kiến quy hoạch xây dựng đang rất thiếu chuyên nghiệp, văn bản hướng dẫn thì nhiều, nhưng đội ngũ cán bộ địa chính ở cấp phường, xã, thị trấn trình độ còn hạn chế… Lĩnh vực đất đai có gần 300 văn bản các loại, nhưng các văn bản này cũng có nhiều vấn đề cần sửa. Dĩ nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Bộ là rất lớn” - ông Quang nói.
Ông phân tích thêm: “Sự yếu kém thể hiện ở chỗ chiến lược phát triển, dự báo còn kém. Quy hoạch chưa bài bản, chỉ bó gọn trong địa phương, thiếu sự liên kết vùng. Vừa qua, tỉnh nào cũng muốn có sân bay, cảng biển… trong khi một vùng chỉ cần 1 công trình là đủ giải quyết nhu cầu”.
Trước tình trạng sổ đỏ giả mà dư luận đang quan tâm, Bộ trưởng Quang phân trần: “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề thất lạc phôi sổ đỏ. Như các phương tiện thông tin đại chúng mới đây có phát hiện, có một căn nhà có tới 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Bộ trưởng cũng khuyến nghị người dân khi mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký và cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, sau vụ Tiên Lãng, Bộ TNMT đã có công văn yêu cầu các tỉnh kiểm tra các vùng đất bãi bồi và cũng tổ chức các đoàn kiểm tra…
Về việc xử lý mảnh đất của ông Đoàn Văn Vươn, Bộ trưởng cho hay ông đã nghe ý kiến của huyện, của Sở TNMT TP.Hải Phòng. Bộ chính thức có ý kiến là sẽ tiếp tục cho gia đình ông Vươn thuê theo quy định của pháp luật. Thời hạn bao nhiêu năm, tiền thuê như thế nào thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thanh Xuân - Hải Phong