Ngày 2.9.2003, sân vận động quốc gia Mỹ Đình được đưa vào sử dụng để phục vụ SEA Games 22 được tổ chức tại VN. Được đầu tư xây dựng với 53 triệu USD, sân Mỹ Đình tổ chức môn bóng đá nam, lễ khai mạc, bế mạc đại hội.
53 triệu USD để mỗi năm tổ chức vài trận bóng đá
Từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm sân Mỹ Đình tổ chức khoảng 10 trận đấu quốc tế của đội tuyển VN, tuyển U-23 VN. Theo lịch thi đấu trên website của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), năm 2012 đội tuyển VN có ba lần thi đấu trên sân Mỹ Đình ở vòng loại thứ nhất AFC Cup lượt đi, thi đấu bán kết AFF Cup, thi đấu chung kết AFF Cup lượt đi. Tổng số trận đấu của đội tuyển trên sân Mỹ Đình cũng chỉ khoảng 10 trận.
Dịch vụ trông giữ ôtô ngày đêm tại cung thể thao điền kinh trong nhà |
Với khoản thu khoảng 80 triệu đồng/trận, theo lời ông Cấn Văn Nghĩa - giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, nó chưa đủ để chi trả tiền điện, nước, vệ sinh để tổ chức trận đấu đó.
Theo ông Nghĩa, mỗi năm sân Mỹ Đình tốn khoảng 10 tỉ đồng để bảo dưỡng chứ chưa cần hỏng hóc phải thay thế gì lớn. Hiện đường chạy điền kinh trên sân đã hỏng, mặt sân Mỹ Đình đang bị lún cần phải tu sửa với chi phí ít nhất 20 tỉ đồng. Nhưng do năm 2012 Bộ Tài chính chưa duyệt chi nên chưa thể sửa mặt sân Mỹ Đình.
Riêng cung thể thao dưới nước thuộc khu liên hợp, tiền tu bổ, bảo dưỡng tốn ít nhất 3 tỉ đồng/năm. Cung này mỗi năm chỉ tổ chức một giải đấu duy nhất là Giải bơi, lặn và nhảy cầu vô địch quốc gia vào tháng 9, thời gian còn lại đóng cửa bỏ không. Dù nơi đây có hồ bơi 100m, sâu 3m nhưng không có đội tuyển nào tập luyện ở đây.
Mới đây khu liên hợp mở cửa liên kết với các trường học dạy bơi cho trẻ em vào mùa hè và mở cửa cho người dân vào bơi nhưng chỉ được vài tháng hè, đến mùa đông lại đóng cửa vì không có bể nước nóng.
“Nếu mở nước nóng sẽ lỗ nhiều hơn” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết từ năm 2012 trở về trước, mỗi năm Nhà nước cấp cho khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình khoảng 20 tỉ đồng để hoạt động, đó là chưa kể các dự án cần thay đổi, sửa chữa làm mới. Nhưng từ năm 2012, sau khi được tự chủ về tài chính, theo ông Nghĩa, dự kiến năm 2012 khu liên hợp sẽ thu về khoảng 35 tỉ đồng, hi vọng sẽ đỡ lãng phí cơ sở vật chất hàng ngàn tỉ đồng cả chục năm qua. Việc sân Mỹ Đình cho thuê làm sân tập golf... cũng là cách để tạo nguồn thu cho các công trình này.
Xây cung điền kinh 546 tỉ đồng để thi đấu 1 lần
Năm 2008, cung thi đấu điền kinh trong nhà được xây dựng cạnh khu đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội. Đây là công trình trọng điểm để thi đấu các nội dung của điền kinh tại AIG 3 tổ chức tại Hà Nội năm 2009.
Cung này có số tiền đầu tư xây dựng 546 tỉ đồng, khoảng chục tỉ đồng tiền nhập trang thiết bị thi đấu như hệ thống đường chạy của Hãng Mondo (Ý), hệ thống đồng hồ điện tử của Hãng Jinling (Trung Quốc)...
Thế nhưng sau khi AIG 3 kết thúc, đường chạy hàng chục tỉ này buộc phải tháo dỡ cất vào kho và không biết đến bao giờ có cơ hội đưa ra thi đấu. Thật oái oăm khi AIG 3 cũng là AIG cuối cùng của châu Á bởi sau AIG 3 tại VN, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã phải xóa sổ đại hội này vì không tìm được quốc gia đăng cai AIG 4.
Một chuyên gia trong lĩnh vực điền kinh cho biết trong tương lai lâu dài, VN không có khả năng đăng cai giải điền kinh trong nhà vì không có địa phương nào có nhà tập điền kinh trong nhà. Do vậy đường chạy và cung điền kinh trong nhà trị giá 546 tỉ đồng có lẽ cũng chỉ sử dụng một lần.
Còn theo ông Nguyễn Đình Lân - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội, đơn vị được bàn giao sử dụng và khai thác cung điền kinh trong nhà:
“Cung này là một công trình thi đấu đa năng nên không chỉ sử dụng để thi đấu điền kinh. Hiện Hà Nội đang cho các môn vovinam, quần vợt tập trong đó, thậm chí đang thử nghiệm cho thuê làm các sự kiện ca nhạc, lễ kỷ niệm. Số tiền mà các hoạt động này thu về được bao nhiêu, có bù được tiền bảo dưỡng cung điền kinh trong nhà hay không thì có trời mà biết”.
Hoàn thành giai đoạn 2 khu liên hợp Mỹ Đình là điều không tưởng
Theo ông Cấn Văn Nghĩa, để hoàn thiện giai đoạn 2 khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phục vụ Asiad 2019 sẽ tốn ít nhất 12.000 tỉ đồng. Số tiền đó để xây dựng: nhà thi đấu đa năng, đường đua xe đạp lòng chảo, tổ hợp quần vợt...
Ông Nghĩa cho biết thêm mới đây khu liên hợp dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có cuộc làm việc với các bộ ngành liên quan về xây dựng giai đoạn 2, các bộ ngành đều không đồng tình.
Đại diện các bộ và Văn phòng Chính phủ cho biết mỗi năm rót vào khu liên hợp khoảng 200 tỉ đồng đã khó, nên việc hoàn thành giai đoạn 2 dự án lúc này là không tưởng nếu không có xã hội hóa.