Dân Việt

Hà Mòn - xã NTM đầu tiên của Tây Nguyên

10/04/2012 09:30 GMT+7
(Dân Việt) - Tính đến cuối năm 2011, xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã đạt 19 tiêu chí Nông thôn mới.

Là một xã thuần nông nhưng chỉ với chừng hơn 22 tỷ đồng được nhà nước đầu tư, Hà Mòn đã trở thành địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên xây dựng thành công nông thôn mới (NTM).

Nơi thiếu… người nghèo

Dọc theo những con đường trải nhựa phẳng lỳ là những ngôi nhà ngói mới san sát, những vườn cà phê xanh mướt, rộn ràng tiếng xe… Ông Nguyễn Xuân Tấn - Phó chủ tịch xã tự hào: “Giờ xã tui chẳng còn hộ nào nghèo, tỷ lệ người giàu, khá chiếm đến gần 70% ; thu nhập bình quân đạt gần 38 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3,2 lần so với thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn của tỉnh (năm 2009 là 22 triệu đồng/người/năm- PV)”.

img
Một góc nông thôn mới của xã Hà Mòn.

Để minh chứng lời mình, ông Tấn dẫn chúng tôi đạo một vòng quanh xã. Quả thật xóm làng đâu đâu cũng tinh tươm, sạch sẽ. Nhà mới, nhà cũ của người đều có cổng ngõ, tường rào và được chỉnh trang một cách kỹ lưỡng. Mỗi thôn đều có đội vệ sinh, có nhà văn hóa, có khu vui chơi giải trí. Nước sạch đến tận mỗi nhà. Các đường ngang ngõ tắt đều có điện chiếu sáng chẳng khác gì phố thị. Ngoài trục đường chính còn có đến hơn 72% đường thôn được bê tông hóa...

Hà Mòn được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” của Kon Tum với hơn 4 nghìn ha, với đa phần lao động được đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ông Đào Anh Thư - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngoài số lớn lao động qua các lớp đào tạo, xã còn có hàng ngàn lao động trước đây làm công nhân quốc phòng. Số lao động này có kỷ luật lao động cao, am hiểu kỹ thuật và luôn có tinh thần hợp tác vì mục tiêu chung. “Đây là những nguồn lực quý giá để Hà Mòn vượt qua tất cả khó khăn, trở thành vùng sản xuất cà phê hiệu quả nhất ở Kon Tum và thành vùng nông thôn mới như hiện tại”

Sức mạnh bởi lòng dân

Thực ra không phải đến năm 2009 Hà Mòn mới xây dựng nông thôn mới. Từ sau giải phóng, Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum đã quyết tâm xây đập Đăk Ui, khai khẩn vùng đất đầy thương tích đạn bom; điều 7 đơn vị quân đội về đây thành lập 7 nông trường, vừa xây dựng kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực. Nhờ đó, cuộc sống người dân nơi đây đã từng bước đổi thay đáng kể. Đây chính là “lưng vốn” cơ bản của chương trình xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Duy Thuần, một trong những nông dân có nhiều đóng góp nhất cho chương trình xây dựng NTM tâm sự: “Tất cả những gì tôi đã đóng góp cũng chỉ để phục vụ cho chính mình thôi mà. Mỗi người góp một tay thì việc gì chẳng nên”.

Tuy vậy Hà Mòn vẫn còn một số tiêu chí được coi là “hạng nặng”, chủ yếu là hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng, khu vui chơi, hệ thống kênh mương, điện đường…Vốn đầu tư ít ỏi, để làm được những công việc lớn ngỡ như lực bất tòng tâm. Thế nhưng hàng chục km đường bê tông nông thôn, đường nội đồng; nhiều kênh mương phải nâng cấp, xây mới; 9/9 thôn có nhà văn hóa, có khu vui chơi giả trí…nói chung tất cả những “tiện nghi” còn thiếu cho việc xây dựng NTM đều được “sắm” đủ chỉ sau 2 năm.

Thành công ấy, theo ông Tấn chính là sự đồng thuận của lòng dân. Từ công tác tuyên truyền, thấy được lợi ích của việc xây dựng NTM, người dân trong xã đã đồng loạt hưởng ứng. Trong 2 năm, toàn xã đã huy động từ sức dân hơn 11 tỷ đồng, đóng góp hơn 4.000 ngày công. Toàn bộ hệ thống điện công lộ là tiền dân góp. Không những thế, hàng trăm hộ dân đã không tiếc đất đai, tài sản trên đất, sẵn sàng hiến hàng ngàn mét vuông đất mà không đòi hỏi bồi thường để xây dựng cơ sở hạ tầng.