Dân Việt

Tái canh cà phê, năng suất lên tới 7 tấn/ha

10/04/2012 11:05 GMT+7
(Dân Việt) - Giữa lúc bà con nông dân Tây Nguyên đang gặp khó khăn trong tái canh cà phê, thì huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã lai tạo thành công giống cà phê mới cho năng suất cao gấp 2-3 lần.

Bảo Lâm là huyện có diện tích cà phê lớn thứ 3 của tỉnh Lâm Đồng, chiếm gần 20% diện tích. Những những năm qua, cây cà phê ở Bảo Lâm chủ yếu trồng bằng cây thực sinh, nên sản lượng kém và không ổn định, chỉ đạt bình quân 25 tạ/ha.

img
Lai ghép cà phê ở Lâm Đồng sẽ cho năng suất cao.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Bảo Lâm xây dựng Dự án "Vườn nhân mầm giống cà phê đầu dòng phục vụ ghép cải tạo cà phê” với quy mô 1,8ha tại 31 điểm trong các khu vực sản xuất cà phê tập trung trên địa bàn 12/14 xã, thị trấn của huyện Bảo Lâm. Chỉ sau 4 năm triển khai, dự án đã trực tiếp cung ứng trên 2,5 triệu chồi giống giá rẻ cho nhân dân trên địa bàn huyện ghép cải tạo được trên 1.000ha cà phê.

Sau đó, mô hình này tiếp tục được nhân rộng và đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, trong số gần 27.400ha cà phê toàn huyện, Bảo Lâm đã thực hiện chuyển đổi được 9.025ha, trong đó ghép cải tạo 8.220ha, tái canh và trồng mới 805ha.

Kết quả cho thấy, nếu như năm 2007, sản lượng cà phê toàn huyện chỉ đạt gần 55.000 tấn, thì đến năm 2011 đã tăng lên 63.000 tấn, năng suất bình quân tăng từ 21,5 tạ/ha lên đến 24 tạ/ha. Riêng diện tích cà phê ghép cải tạo sau 3 năm đạt năng suất trung bình 4 tấn nhân/ha, cá biệt có diện tích đạt 7 – 10 tấn nhân/ha. Tính trung bình mỗi năm, sản lượng cà phê toàn huyện tăng hơn 2.000 tấn cà - phê nhân, giá trị tăng thêm hơn 90 tỷ đồng/năm.

Ông Vương Khả Kim- Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm khẳng định: “Chương trình chuyển đổi giống cà phê ghép bằng các mô hình ghép cải tạo và trồng mới, trồng ghép đã được sự đồng tình ủng hộ và tham gia nhiệt tình của bà con nông dân. Thời gian tới, để chương trình thực sự đạt được hiệu quả cao, người dân cần được hỗ trợ về nguồn vốn và kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần tuyển chọn các loại giống cà phê có năng suất và sản lượng, chất lượng cao nhất để tiếp tục đầu tư phát triển”.

Theo TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, kết quả thí điểm của mô hình nói trên có thể khẳng định công tác chuyển đổi giống cà phê, nhằm từng bước cải tạo diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả, góp phần tăng năng suất nâng cao chất lượng cà phê của tỉnh Lâm Đồng; gắn với phát triển sản xuất cà phê bền vững, sản suất hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm cà phê Lâm Đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.