Dân lấy gỗ để làm nhà?
Chúng tôi vào nhà ông Lường Văn Úp (61 tuổi) ở bản Lúm vờ xin nước uống để tìm hiểu thêm về vụ việc. Xung quanh nhà ông Úp có 6, 7 nóc nhà; nhà nào ít thì có dăm, bảy cây gỗ lớn bé, dài ngắn khác nhau, nhà nào nhiều thì có hàng trăm khúc gỗ xếp chất đống bên hiên, dưới gầm sàn nhà...
Trong nhà trưởng bản Lúm cũng như nhiều hộ dân khác, gỗ xếp cao, kín cả gầm sàn. |
Theo những người dân ở đây cho biết, số gỗ họ có được là do lấy ở trên rừng bản Lúm, Pu Xi. Cũng theo họ thì khi người dân lấy gỗ trên rừng, chính quyền xã Mường Mùn chẳng hỏi han, ngăn chặn gì cả nên "ai không lấy nhanh là thiệt! “Gỗ bản mình bao năm gìn giữ mà không lấy thì nơi khác họ đến lấy mất ngay. Bởi thế, dù chưa phải dùng đến thì cũng cứ khênh về để dự phòng, bí lắm bán cũng được vài tạ gạo ăn…" - một lão nông khẳng định như đinh đóng cột.
Làm việc với Trưởng bản Lúm - anh Lò Văn Tự, chúng tôi được biết: Tình trạng người dân chặt phá rừng, lấy gỗ ở bản Lúm trong thời gian qua là có sự tham gia của nhiều hộ dân từ các bản lân cận nên tốc độ phá rừng mới nhanh đến thế.
Anh Tự nói: "Người dân trong bản lấy gỗ làm nhà thì không thu lệ phí, nhưng người dân ở bản khác muốn lấy gỗ trong rừng của bản Lúm thì phải có chút lệ phí cho tổ bảo vệ". Chúng tôi hỏi “tổ bảo vệ” là những ai, anh Tự lúng túng nói là “người trong bản”.
Câu nói của anh Tự đã phần nào lý giải tại sao ở dưới nhà sàn của chính nhà anh đang xếp trên 120 tảng gỗ được đánh số thứ tự bằng phấn trắng, nêm cứng hết diện tích gầm sàn với khối lượng chừng gần 5m3. Chỉ vào những đống gỗ còn tươi mới, mùi gỗ thơm nồng, anh Tự giải thích: Tôi không tham gia phá rừng đâu. Số gỗ này là của anh rể tôi là ông Lò Văn Phánh - người cùng bản, mang từ rừng về gửi được hơn 2 tuần nay. Dân bản lấy gỗ chủ yếu là để làm nhà thôi. Toàn hộ nghèo cả đấy.
Khi phóng viên nói rõ: “Gia đình ông Phách không phải thuộc diện nghèo phải xoá nhà tạm trong đợt này” anh Tự gỡ gạc: “Trường hợp của anh Phánh, do nhà cũ gỗ bị mối xông, mọt ăn, cần phải làm lại nên mới vào rừng để khai thác gỗ".
Chính quyền làm ngơ dân phá rừng ?
Ông Quàng Văn Phúng - Chủ tịch UBND xã Mường Mùn cho rằng: Nguyên nhân 9ha rừng ở bản Lúm đã bị cháy và bị tàn phá là do dân trong bản tự ý đốt nương làm rẫy. Đây đúng là thời điểm gió Lào thổi mạnh, nắng nóng cao độ, hơn nữa địa bàn rừng núi hiểm trở, không có nước nên rất khó dập lửa. Còn tình trạng buôn bán, khai thác gỗ trái phép trên địa bàn thì không có...
Nhưng khi chúng tôi đưa ra những hình ảnh lâm tặc vẫn đang tiếp tục khai thác, vận chuyển gỗ vừa ghi lại được tại hiện trường rừng bản Lúm thì ông Phúng trả lời: Đó là những hộ dân trong bản tự ý đi phá rừng lấy gỗ mà không báo cáo cho chính quyền biết. Ở đây đã xảy ra nhiều trường hợp hộ dân xin chính quyền vào rừng để tận dụng gỗ, củi, nhưng thực tế không tận dụng mà “tận diệt”. Dân phá rừng chủ yếu là hộ nghèo lấy gỗ làm nhà mới hay tu sửa những phần hỏng hóc. Thói quen làm nhà sàn của dân bản tiêu tốn rất nhiều gỗ.
Trước câu hỏi có hay không “cơ chế phí” mà “lâm tặc” và chính quyền địa phương đã lập nên như nguồn tin từ chính người dân trong xã và trưởng bản Lúm phản ánh, ông Phúng phủ nhận: Chuyện “lâm tặc” đóng phí, lót tay cho chính quyền địa phương là không có. Còn việc dân phá rừng trong cả một thời gian dài mà chính quyền không nắm bắt được, không kiểm tra, kiểm soát thì ông Phúng không trả lời.
Làm rõ vụ việc và báo cáo Thủ tướng
Sau khi báo chí phản ánh tình trạng thời gian qua người dân các bản thuộc xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên vào rừng bản Lúm khai thác gỗ với số lượng lớn và có việc "lót tay" giữa những người đến đốn hạ rằng với một nhóm người gọi là "bảo vệ" của xã để được bỏ qua..., mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến yêu cầu Bộ NNPTNT kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo nêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ban Thư
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết năm 2012, trong số 22 hộ nghèo trên tổng số 68 hộ của bản Lúm chỉ có 4 hộ thuộc diện được thụ hưởng làm nhà theo Chương trình 167. Như vậy, không thể đổ lỗi cho việc làm nhà theo Chương trình xoá nhà tạm để biện minh cho việc phá rừng.
Điều đó cho thấy: Rừng Mường Mùn bị tàn phá, “rút ruột” là do sự thờ ơ, lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xã Mường Mùn. Không thể nói cả chục hécta rừng từng ngày biến mất trong một thời gian dài, bao con người và phương tiện tham gia phá rừng mà cơ quan chức năng và chính quyền không biết.
Trao đổi với NTNN ông Nguyễn Duy Chinh - Chi cục trưởng Kiểm lâm Điện Biên, thừa nhận: Hiện tượng dân phá rừng ở Mường Mùn là có thật; trong đó có một số hộ đã lợi dụng việc tu sửa, làm mới nhà cửa theo Chương trình 167 để phá rừng, lấy gỗ, làm nương. Tổng diện tích thiệt hại là gần 10ha. Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo phối hợp với công an và chính quyền cơ sở để xác minh rõ nguyên nhân, số lượng thiệt hại và có biện pháp xử lý thoả đáng.
Kiều Thiện - Hải An