Dân Việt

Thợ giỏi vào cuộc dạy nghề

16/12/2010 14:10 GMT+7
(Dân Việt) - Thiếu giáo viên, thiết bị dạy nghề sơ sài là thực trạng của nhiều cơ sở dạy nghề ở địa phương. Từ khi tổ chức được đội ngũ thợ giỏi dạy nghề, vấn đề thiếu giáo viên đã được giải quyết.
img
Cô Bùi Thị Quê từ thợ giỏi trở thành giáo viên dạy nghề.

Tại Hà Nội, mô hình tổ chức lớp dựa vào Hội ND thể hiện khá rõ nét. Khi nông dân có nhu cầu học một nghề nào đó thì Hội ND lập danh sách học viên và chuyển sang các trung tâm dạy nghề để tiến hành mở lớp.

Ông Nguyễn Cao Tịnh - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết: "Có danh sách chuyển qua trung tâm dạy nghề nhưng không phải lúc nào trung tâm cũng có giáo viên để mở lớp, đáp ứng ngay nhu cầu học nghề của nông dân. Điều này khiến bà con không còn hào hứng học tập bởi phải chờ đợi quá lâu. Quan trọng hơn là mất đi cơ hội làm việc khi mà cơ hội không phải lúc nào cũng sẵn có”.

Ông Ngô Đăng Chè - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng nêu thực tế: "Điều chúng tôi lo lắng nhất là giáo viên đứng lớp. Các trung tâm dạy nghề bắt buộc phải thuê những giáo viên ở các tỉnh khác về giảng dạy nhưng chưa thể mời được ngay nên bà con lại phải chờ đợi".

Để chủ động hơn trong việc tổ chức dạy nghề, tại Hà Nội, một số Hội ND cấp huyện đã chủ động tổ chức đội ngũ giáo viên đứng lớp. Chẳng hạn như tại huyện Thạch Thất, Hội ND đứng ra tập hợp, bồi dưỡng thợ giỏi thành giáo viên.

Cô Bùi Thị Quê, 54 tuổi, giáo viên được tuyển chọn từ phong trào nông dân sản xuất giỏi (thôn 5, xã Tân Xã) cho biết: "Cách đây 3 năm, nghề mây tre đan khá phát triển ở xã Tân Xã, bà con đăng ký học nghề nhiều nhưng do không chủ động được giáo viên dạy nghề nên lớp học phải lùi lại khá lâu. Từ đó tôi đã ấp ủ mơ ước một ngày nào đó được đứng trên bục giảng và dạy nghề lại cho những bà con trong xã.

Từ học nghề, làm nghề giỏi, tôi được tín nhiệm tham gia lớp tập huấn giáo viên ngắn hạn. Đến thời điểm này, tôi đã tham gia dạy nghề cho cho gần chục lớp mây tre đan cho bà con trong huyện". Ông Nguyễn Cao Tịnh phấn khởi nói: "Tuyển dụng những nông dân giỏi tham gia dạy nghề không chỉ giúp Hội chủ động trong công tác dạy nghề, mà còn nâng cao chất lượng dạy nghề vì bà con hiểu nhau, dễ truyền đạt những kinh nghiệm, những kiến thức cho nhau".