Ông Vương Nghị sinh ra ở Bắc Kinh, tốt nghiệp trung học trong cuộc Đại Cách mạng văn hóa và từng trải qua thời thanh xuân bất hạnh khi bị đẩy về thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới Liên Xô, lao động khổ sai ở đây trong suốt 8 năm.
Tân ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị |
Vương Nghị học Khoa tiếng Nhật thuộc trường Đại học Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh khi đã 24 tuổi. Ông Vương được bạn bè và những người quen biết đánh giá là một người có nghị lực. Để khắc phục trở ngại trong việc học ngoại ngữ do quá tuổi, Vương Nghị dậy từ rất sớm, vừa đi bộ vừa đọc thật to để luyện phát âm tiếng Nhật trong khuôn viên trường.
Tân Ngoại trưởng Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến lịch sử Nhật Bản và từng có thời gian là một nhà nghiên cứu Nhật Bản. Trong thời gian nghiên cứu về Nhật Bản, Vương Nghị đã có bài luận viết về cuộc Cải cách Đại Hóa trong lịch sử Nhật Bản đăng trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành.
Vương Nghị còn được biết đến như một tay bút cừ khôi, có thể thảo ra những văn bản tinh tế và phức tạp. Sau 2 năm đầu công tác tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị trở nên nổi tiếng khi được bổ nhiệm là người chấp bút cho bài diễn văn trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang.
Trong sự nghiệp ngoại giao khoảng 30 năm của mình, Vương Nghị hai lần đóng vai trò xử lý các nguy cơ trong quan hệ Nhật-Trung. Tháng 9.1989, Vương Nghị được bổ nhiệm vào chức vụ Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo. Quan hệ thương mại Nhật-Trung khi đó bị gián đoạn do Nhật Bản cùng với cộng đồng quốc tế tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc.
Năm 2004, ông Vương Nghị được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, nhưng thời điểm đó, Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi thăm đền Yasukuni khiến quan hệ hai nước đóng băng. Trong hai lần đó, Vương Nghị đều phát huy vai trò khôi phục quan hệ giữa hai nước.
Cách đây 4 năm, ông Vương Nghị rời Bộ ngoại giao Trung Quốc và chuyển sang giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan. Trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung căng thẳng xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku ở Okinawa, Vương Nghị lại trở về “chốn xưa,” giữ chức Ngoại trưởng.
Việc bổ nhiệm một nhân vật thuộc phái thân Nhật dày dạn kinh nghiệm như Vương Nghị vào Bộ Ngoại giao cho thấy kỳ vọng của phe cải cách bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn phục hồi quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phái cứng rắn và ôn hòa trong ban lãnh đạo Trung Quốc đang đấu tranh gay gắt giành quyền chi phối đối với đường lối đối ngoại của Bắc Kinh, việc ông Vương Nghị có thể làm được những gì và làm được đến đâu đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải.