VTV sẽ đại diện đi mua?
Tại SEA Games 2013 ở Myanmar, bản quyền truyền hình không còn được miễn phí như kỳ tổ chức năm 2011 tại Indonesia. “Trên nguyên tắc, bản quyền truyền hình SEA Games được miễn phí. Tuy nhiên, ở kỳ SEA Games này Liên đoàn thể thao Đông Nam Á (ĐNÁ) - cơ quan nắm giữ độc quyền bản quyền truyền hình SEA Games, sẽ lặp lại việc bán bản quyền như từng thực hiện tại Lào năm 2009”, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, cho biết.
VTV sẽ đại diện cho các nhà đài trong nước đi đàm phán mua bản quyền truyền hình SEA Games? |
Năm 2009, để có được bản quyền truyền hình từ phía chủ nhà Lào, Việt Nam đã phải chi 300 nghìn USD (khoảng 600 triệu đồng). Đổi lại, chúng ta có được những hình ảnh đặc sắc và rõ nét nhất của 25 môn thể thao có các đội tuyển Việt Nam tham dự. Năm nay, nhiều khả năng mức phí sẽ cao hơn do có độ vênh trượt giá đồng thời tại Myanmar có tới 33 môn thi đấu.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này chiều 18.3, ông Vũ Quang Huy-Phó Giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, chia sẻ: “Chúng tôi đã nhận được thư mời dự họp tại Myanmar từ nước chủ nhà SEA Games 2013 để bàn về vấn đề bản quyền. VTC cũng đã liên lạc được Ủy ban Olympic Việt Nam để tìm hiểu rõ. Tất cả đã thống nhất cử Đài truyền hình Việt Nam (VTV) là đại diện duy nhất đi mua, sau đó về chia sẻ với các đài trong nước để tiết kiệm chi phí”.
Tuy nhiên, về phía VTV, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV, lại nói tránh: “Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa rõ về việc này. Có lẽ bản quyền truyền hình SEA Games sẽ do Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV đứng ra đàm phán”.
Được biết, vào ngày 22.3 tới, sẽ diễn ra một cuộc họp ở Myanmar để bàn thảo vấn đề bản quyền truyền hình của SEA Games 23, qua đó đi tới thống nhất mức giá bản quyền.
Các môn thi đấu tại SEA Games vẫn có sức hút đặc biệt với người hâm mộ Việt Nam |
“Hội làng” nhưng quan trọng bậc nhất
Việc cò kè ngã giá hẳn nhiên khó tránh khỏi, trên hết VTV hay bất kỳ đài truyền hình nào khác trong khu vực, cũng muốn có được hình ảnh của Đại hội thể thao quan trọng nhất Đông Nam Á để truyền tải tới người dân.
Ai cũng biết chất lượng chuyên môn của SEA Games chưa cao, thậm chí là thấp và bị coi như “hội làng”. Tuy nhiên, sự quảng bá và sức hút của Đại hội này đối với người dân Việt lại vô cùng lớn. Người hâm mộ đã quá quen với món ăn tinh thần này mỗi khi SEA Games diễn ra.
SEA Games 2009 tại Lào, cùng với VTV, có không dưới 10 đài phát thanh và truyền hình lớn nhỏ trong các nước trực tiếp tới các địa điểm tổ chức tác nghiệp đưa thông tin. Con số đó khi tới SEA Games 2011 (giải được miễn phí bản quyền truyền hình) cũng không dưới 5 nhà đài.
Điều ấy tự phản ánh, đây là “món ăn” rất đắt khách với khán giả. Công bằng mà nói, riêng về SEA Games, ít có quốc gia nào chờ đợi và có đội ngũ người xem đông đảo như tại Việt Nam.
Đương nhiên, những người làm công tác truyền thông và tham gia cuộc đàm phán về bản quyền truyền hình SEA Games tại Ủy ban Olympic Việt Nam cùng VTV luôn ở tâm thế không bao giờ bỏ lỡ “miếng bánh” này.
Theo tìm hiểu, khi hoàn tất chi phí bản quyền truyền hình, phía ban tổ chức sẽ rót ngược trở lại 25% trong tổng phí bản quyền truyền hình trên về lại các Ủy ban Olympic của các quốc gia mua bản quyền. Đó là chi phí để hỗ trợ việc phát triển thể thao khu vực.
Hoài Việt