Bịa đặt làm sai lệch về danh nhân?
Hai cuốn sách bị dòng tộc họ Đặng (làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) phản đối là các cuốn “Đặng Huy Trứ - nhà tri thức chân chính của dân tộc và thời đại” và “Đặng Văn Hòa - vị dân chí kế”, do Nhà xuất bản Văn Học xuất bản năm 2013. Người sưu tầm, biên soạn 2 cuốn sách này là nhà văn A Chước Đen (tên thật là Đinh Thị Hải Đăng, cháu dâu họ Đặng), hội viên Hội Nhà văn và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng.
Theo ông Đặng Hưng Thước - người phụ trách văn hóa thông tin của dòng tộc họ Đặng, những câu ghi tại bìa trong của bìa trước và bìa trong của bìa sau cuốn sách “Đặng Huy Trứ - nhà tri thức chân chính của dân tộc và thời đại” là hoàn toàn bịa đặt. “Những câu “cha sinh ra con…” và “đất nước như thế này thì hàng trăm…” không có trong gia phả, tàng thư của họ Đặng hay trong các sách của cụ Đặng Huy Trứ”- ông Thước khẳng định.
Cũng theo ông Thước, ở trang 16 của cuốn sách in một bức thư riêng của ông Đặng Hưng Côn viết cho người anh là Đặng Hưng Kháng và ghi chú: “Đây là bút tích của bác Đặng Hưng Côn trong “Con người và tác phẩm” của Đặng Huy Trứ” của nhóm Trà Lĩnh”. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Đặng Huy Trứ - con người và tác phẩm” của nhóm tác giả Trà Lĩnh không có bức thư này. Ông Thước còn cho biết, cuốn sách của nhà văn A Chước Đen được biên soạn từ 2 cuốn “Đặng Huy Trứ - con người và tác phẩm” của nhóm Trà Lĩnh và cuốn “Cưỡi sóng đạp gió” của tác giả Hoàng Công Khanh. Tuy nhiên, khi trích dẫn lại từ các cuốn sách trên, tác giả đã tự thêm tiêu đề, cắt đầu, cắt đuôi và thêm thắt rất nhiều chi tiết sai lệch…
Theo những người đại diện dòng tộc họ Đặng, trong sách, tác giả dẫn lại bài viết “Trách nhiệm của kẻ làm quan” của GS Vũ Khiêu viết về Đặng Huy Trứ, nhưng đổi tựa đề bài viết thành “Trách nhiệm kẻ làm quan (1856-1860)”. Sự thêm thắt này làm sai lệch lịch sử, vì trên thực tế, Đặng Huy Trứ làm quan từ năm 1856 cho đến năm mất là 1874. Từ trang 76-81 trong cuốn sách có bài viết “Đặng Huy Trứ làm ngự sử (1861-1864)” và trích một phần nội dung bài viết của GS Vũ Khiêu nhưng lại đề tác giả là nhóm Trà Lĩnh. Ngoài ra, cuốn sách còn bị cho là hầu như “bê” nguyên nội dung của các cuốn sách khác viết về Đặng Huy Trứ “rồi cứ trích bên này một đoạn, bên kia một đoạn cho có nội dung”.
Cuốn sách “Đặng Văn Hòa- vị dân chí kế” cũng bị đại diện dòng tộc họ Đặng cho là sao chép nguyên xi từ gia phả họ Đặng, các tác phẩm “Cha tôi và mẹ tôi” của Đặng Văn Hòa, “Nhĩ Hoàng di ái lục” của Đặng Huy Trứ và luận văn tốt nghiệp năm 1997 của sinh viên Đại học Huế…
Nhà văn kêu oan
Ông Thước cho biết, khi biết thông tin nhà văn A Chước Đen chuẩn bị in các cuốn sách trên, ông đã có ý kiến với Nhà xuất bản Văn Học (Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng), nhưng phía nhà xuất bản vẫn cho in. Theo ông Thước, phía nhà xuất bản cho rằng nội dung trong những cuốn sách này không vi phạm thuần phong mỹ tục, không phản động nên vẫn cho xuất bản bình thường. Sau khi sách được in, dòng tộc họ Đặng họp và quyết định cấm không lưu hành các cuốn sách này trong dòng tộc.
Trao đổi với PV NTNN, nhà văn A Chước Đen cho biết, bà đã nhận được thông tin về việc đại diện của dòng tộc họ Đặng phản đối 2 cuốn sách trên của bà. Theo nhà văn này, để cho ra đời 2 cuốn sách, bà đã sử dụng các tài liệu do dòng tộc họ Đặng cung cấp và không có chuyện bà thêm thắt, bịa đặt làm sai lệch về các danh nhân trên. Vì vậy, nhà văn A Chước Đen cho rằng bà bị oan và việc phản đối trên của đại diện dòng tộc họ Đặng đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà.
Nhà văn A Chước Đen cũng cho biết, các tác phẩm trên của bà đã được ông Trần Đại Vinh (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế) nhận đọc, sửa chữa bản thảo. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Vinh cho biết: Trong 2 cuốn sách, ông chỉ viết lời giới thiệu cho cuốn “Đặng Văn Hòa - vị dân chí kế”. Còn cuốn về Đặng Huy Trứ, ông không hay biết. “Bà A Chước Đen không phải là nhà nghiên cứu nên sai sót là không thể tránh khỏi… Tôi viết lời giới thiệu này chỉ trên tinh thần ghi nhận tấm lòng hiếu thảo của một người con dâu của họ Đặng”- ông Vinh nói.
An Sơn