Từ nhận thức đúng đắn
Nắm bắt được tinh thần chủ đạo của chính sách xây dựng NTM là một chương trình phát triển kinh tế- xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài chứ không phải là một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng NTM phải do chính cộng đồng dân cư làm chủ, phát huy nội lực là chính để tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, của cấp trên, lãnh đạo huyện Kiến Thụy đã xác định hướng đi riêng phù hợp với thực tế địa phương mình.
Cán bộ Phòng NNPTNT huyện Kiến Thụy hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng cây vụ đông. |
Ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo huyện Kiến Thụy đã quán triệt tinh thần chỉ đạo chung: Phải xây dựng NTM bằng nguồn lực của người dân trên chính mảnh ruộng của họ. Chính vì thế, những quyết sách đưa ra đều được tập trung cho phát triển sản xuất nông nghiệp: Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất; thực hiện dồn điền đổi thửa quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đổi mới phương thức sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế địa phương, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng tiêu thụ tốt vào sản xuất; đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp...
Toàn dân góp sức làm mới đồng ruộng
Từ quan điểm chỉ đạo chung, các địa phương trong huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức người, sức của, hiến đất xây dựng hệ thống giao thông, nhất là giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau 1 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt giao thông nông thôn, nhất là hệ thống giao thông nội đồng của huyện Kiến Thụy đã được đổi mới căn bản. Điển hình tại xã Đoàn Xá, nhân dân đã góp 1 tỷ đồng, 726 ngày công, hiến 1.560m2 đất thổ cư, hiến 1.080m2 và chuyển đổi 20.000m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường trục thôn, 20 tuyến đường ngõ xóm, xây dựng và nâng cấp 6 tuyến đường bờ thửa rộng 3,5m với chiều đài 2.040m, 3 tuyến đường bờ vùng dài 1.112m và mở rộng hệ thống kênh mương.
Tại xã Tân Phong, nhân dân đã tự nguyện góp 717 triệu đồng, 650 ngày công, hiến 600m2 đất thổ cư, 57.100m2 đất nông nghiệp để làm 2 tuyến đường trục thôn, 500m đường ngõ xóm, 1.000m đường trục chính nội đồng, 4.850m tuyến kênh cấp 2. Tại xã Thuận Thiên, nhân dân tự nguyện đóng góp 104,2 triệu đồng, 1.891 ngày công, 260m2 đất thổ cư, 19.360m2 đất nông nghiệp để làm 2 tuyến đường trục thôn, 2 tuyến đường ngõ xóm, 6 tuyến đường trục chính nội đồng, 3 tuyến kênh cấp 2 và 4 tuyến kênh sau trạm bơm…
Kết quả của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở Kiến Thụy tính đến cuối năm 2012 rất đáng ghi nhận: 17/17 xã đã hoàn thành xong công tác quy hoạch nông thôn mới, 11/17 xã hoàn thành xong từ 8 tiêu chí nông thôn mới trở lên, trong đó có xã Đoàn Xá đã hoàn thành xong 11 tiêu chí.
Nâng cao giá trị kinh tế cho từng tấc đất
Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng vùng sản xuất tập trung để phát triển hàng hóa nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Năm 2012, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 4 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 83,8ha (xã Thuận Thiên 31,4ha, Đông Phương 37,4ha, Hữu Bằng 15ha), 4 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 146,4 ha (xã Đoàn Xá 40ha, Ngũ Đoan 40ha, Kiến Quốc 35ha, Thuận Thiên 31,4ha).
Ông Nguyễn Đình Đối- Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá cho biết, mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung ở địa phương đã phát huy hiệu quả kinh tế cao. Xã thành lập tổ cơ khí chuyên phục vụ làm đất cho bà con bằng máy, mua máy cấy để cấy tập trung, gieo mạ tập trung… nên chi phí cho mùa vụ giảm hẳn. Ở những xã triển khai mô hình sản xuất tập trung, Kiến Thụy mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Trong suốt quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp và cán bộ của Phòng NN và PTNT huyện trực tiếp tới từng thửa ruộng để hướng dẫn bà con nông dân canh tác. Vụ đông 2012, trên địa bàn huyện, bà con nông dân tại nhiều địa phương đã triển khai ký hợp đồng với doanh nghiệp trồng khoai tây, dưa chuột, ớt với giá trị thu nhập từ 8-9 triệu đồng/ sào ruộng. Theo tính toán của cán bộ Phòng NNPTNT huyện, nếu bà con canh tác quay vòng 2 vụ theo lịch hướng dẫn của Phòng đưa ra để trồng dưa chuột và khoai tây, mỗi sào ruộng có thể cho thu hoạch 20 triệu đồng/năm (như vậy, mỗi ha có thể cho thu hoạch 540 triệu đồng/ năm)- một giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
“Thành công của những mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất tập trung bước đầu đã làm thay đổi thói quen canh tác manh mún, lạc hậu của bà con nông dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa nông nghiệp, giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế. Đây cũng chính là cách nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn lực để xây dựng NTM”- ông Nguyễn Duy Bình- Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy khẳng định.
Vũ Thị Hải