Dân Việt

Giải pháp nào cho nền giáo dục già cỗi?

21/03/2013 06:37 GMT+7
Dân Việt - Tiến bộ công nghệ đã ảnh hưởng ngày càng rõ nét giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo tác nghiệp. Từ đây có thể nhận thấy trong thời kỳ phổ thông, các em học sinh không học hay không học giỏi theo cách đánh giá hiện thời...

Chúng ta đã nói nhiều đến sự lạc hậu của giáo dục Việt Nam từ mọi khía cạnh: phương giảng dạy, thi cử đến nhân tố con người… Nguyên nhân của tất cả sự lạc hậu đó có thể nói là sự kém bắt nhịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và theo tôi giải pháp để kéo gần khoảng cách của giáo dục Việt Nam với thế giới cũng nằm chính ở nhân tố này.

Phân biệt đào tạo “hàn lâm” và “tác nghiệp”

Chưa bao giờ con người lại được sở hữu các phương tiện tìm kiếm thông tin mạnh mẽ như ngày nay. Chỉ cần chạm vào các giao diện trên máy tính hay điện thoại di động là có được các thông tin cần tìm từ kho tàng tri thức nhân loại. Chính vì thế con người hiện nay sở hữu nhiều kiến thức hơn nhưng lại không phải học thuộc và nhớ nhiều như trước đây.

img
Sự phát triển của công nghệ chính là giải pháp cho nền giáo dục già cỗi

Trước đây, trong điều kiện thiếu thông tin, thiếu phương tiện trợ giúp, học sinh cần phải học và phải nhớ nhiều thứ. Nếu không như vậy thì không làm việc được. Hơn nữa, để sáng tạo ra cái mới hay để giải quyết các vấn đề hóc búa, người ta phải học và nhớ kỹ căn nguyên và bản chất của đối tượng. Bởi vậy phải dạy tổng hợp nhiều thứ và phải học tường tận nhiều điều. Đây cách đào tạo thiên về hàn lâm. Về cơ bản, nó phù hợp cho những người theo nghiệp nghiên cứu sáng chế.

Hiện nay, số đông những người tốt nghiệp ĐH là để ra làm việc ở các công ty, cơ quan, xí nghiệp, chứ không phải ở trong những viện nghiên cứu. Như trên đã đề cập, công cụ tìm kiếm sẽ giúp cho họ kiến thức rộng, và các sản phẩm chuyên dụng phục vụ cho công việc thì đã có người cung cấp.

Nhiệm vụ của họ là học để vận dụng thành thạo và hiệu quả các công cụ và phương tiện mà tiến bộ công nghệ đưa lại. Vì thế khi học, có những vấn đề, họ không cần đi quá sâu vào bản chất đối tượng, họ không nhất thiết phải học và nhớ những vấn đề không liên quan.

Rõ ràng tiến bộ công nghệ đã ảnh hưởng ngày càng rõ nét giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo tác nghiệp. Từ đây có thể nhận thấy trong thời kỳ phổ thông, các em học sinh không học hay không học giỏi theo cách đánh giá hiện thời, điều này không có nghĩa là cổng trường ĐH đóng kín đối với các em, rằng các em không đủ năng lực để học đại học. Trên thực tế, nếu được đào tạo chuẩn mực, hầu hết các em học sinh đều có thể trở thành một cử nhân tác nghiệp khá và giỏi.

Học từ người thầy “đa phương tiện”

Nếu trước đây, do hạn chế của sách vở và truyền thông, tri thức chủ yếu của học sinh là do thầy giáo truyền thụ, thì nay các tiện ích đa phương tiện là người thầy nghiễm nhiên của lớp trẻ. Vì ham thích mà lớp trẻ đến với tri thức một cách tự nguyện, và có được một khối kiến thức rất phong phú.

Chẳng hạn như nói về Facebook cá nhân. Các em học sinh cấp tiểu học bây giờ đã tự lập Facebook cho mình. Như vậy các em đã biết sử dụng các công cụ tin học, đồ họa và các kỹ năng khác mà trước đây ở bậc cao mới tiếp cận được. Rõ ràng kiến thức mà các em tự tích lũy được rất phong phú và không giản đơn, khác xa với các em cùng lứa tuổi ở thập niên 60 thế kỷ trước rất nhiều. Vì thế chường trình đào tạo các em phải có những thay đổi phù hợp với trình độ, không thể theo giáo trình cũ của những năm 60 thế kỷ trước được.

Chỉ riêng về giáo trình, hiện nay nếu nhìn vào các giáo trình giảng dạy các môn học ở bậc đại học nước ta, về cơ bản, là của thập niên 60 -70 thế kỷ trước. Ở một số môn của các trường có cập nhật kiến thức mới, nhưng nhìn chung vẫn không theo kịp chương trình của các nước tiên tiến.

Trong khi đó, phấn trắng bảng đen và đọc cho viết vẫn là cách giảng dạy phổ dụng hầu hết ở các trường nước ta. Phương pháp này cung cấp được ít thông tin cho học sinh. Ngược lại, các phương tiện trình chiếu, cho bài tập trực tuyến, cung cấp cho học sinh rất nhiều kiến thức và tư liệu tham khảo cũng như ép học sinh phải thực hành nhiều.

Để có một bài giảng hiện đại, thầy giáo phải đọc rất nhiều và phải chuẩn bị kỹ lưỡng để có nhiều thí dụ minh họa. Sau khi giảng bài học sinh có ngay được tư liệu để học và thực hành. Từ giáo trình lạc hậu và phương pháp giảng dạy lỗi thời đã khiến cho kiến thức thu nạp được của sinh viên trên thực tế rất hạn chế.

Không phải nói nhiều vì ai cũng biết sinh viên của chúng ta hiện nay học thừa nhiều môn, trong khi đó lại không được cung cấp đủ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết cho việc làm sau tốt nghiệp.

Khi viện dẫn và sánh nền giáo dục Việt Nam với các nước, không có nghĩa là chúng ta phải rập khuôn áp dụng, Có điều, những tiến bộ mà nhiều nước văn minh đã thực thi trong đó có những tiến bộ về khoa học công nghệ mà họ đã áp dụng chính là những thứ mà họ đã trả giá và kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Vậy tại sao chúng ta lại không học tập điều đó để nền giáo dục Việt Nam thoát khỏi sự già nua, cũ kỹ?