Còn chiếc máy cày của ông cũng đã trở nên nổi tiếng không kém vì nó không chỉ để cày đất mà ông còn dùng để đi lại giữa các bản, xuyên rừng chở bà con đi viện và đi họp ở dưới xuôi...
Ông “vua” của người Ma Coong
Thượng Trạch là xã vùng cao khó khăn bậc nhất của huyện Bố Trạch. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào Ma Coong, sống rải rác ở 18 bản giữa thâm sơn, quanh khu vực biên giới Việt - Lào. Người Ma Coong sống dựa vào việc làm rẫy trên những núi cao và bẫy thú rừng. Mỗi năm họ đốt một khoảnh rừng để trỉa lúa, ngô và trồng sắn trên đó. Thu hoạch xong thì chuyển sang rẫy khác… Chính tập quán làm ăn được mất nhờ “trời” khiến người Ma Coong cứ đói nghèo mãi.
Ông Đinh Hợp nhong nhong trên chiếc máy cày trong một lần đi họp huyện. |
“Vua” Đinh Hợp- người con Ma Coong của núi rừng đại ngàn, được bà con ở 18 bản yêu quý và kính trọng bởi ông có uy tín và trách nhiệm với mọi người. Từ đói bữa ăn đến ma chay, cưới hỏi, việc lớn việc nhỏ, ai có khó khăn cũng tìm tới Đinh Hợp để được giúp đỡ…
Mấy năm trước, cả xã vùng cao ai cũng xôn xao việc ông Hợp ra “nghị quyết” bỏ thuốc lá. Từ lúc sinh ra và lớn lên, hình ảnh điếu thuốc gắn chặt trên môi luôn gắn liền với Đinh Hợp cũng như bao thế hệ người Ma Coong khác. Điếu thuốc như một “món ngon khó bỏ” giữa thâm sơn cùng cốc lạnh lẽo. Bà con ai cũng biết thuốc lá không tốt nhưng bỏ nó thì chưa ai nghĩ tới.
Vậy mà ông bỏ được thuốc lá, cả nhà ông cũng không còn ai hút thuốc nữa. Cho tới bây giờ rất nhiều người Ma Coong đã noi theo ông bỏ hẳn thuốc lá. Thấy bà con mình ít quan tâm chuyện học hành, ông cùng các thầy cô cắm bản lặn lội đến từng nhà vận động bà con cho con em tới trường. Nhờ uy tín của ông, người Ma Coong đã dần quan tâm đến việc học của con em mình.
Chiếc máy cày đa năng
Với bà con người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, hình ảnh ông chủ tịch của họ lái chiếc máy cày rong ruổi trên những nẻo đường rừng bây giờ đã trở nên quen thuộc. Khi thì bà con bắt gặp ông đang lái máy cày đi công cán, khi thì làm đất ở một bản xa nào đó mà đôi chân không thể đi bộ nổi. Nhưng hình ảnh làm bà con càng quý mến, kính trọng Đinh Hợp hơn là việc đang giữa đêm khuya, Đinh Hợp đã lái chiếc máy cày vượt gần 60km đường rừng khúc khuỷu chở bà con đi cấp cứu ở bệnh viện huyện.
Đinh Hợp cho biết, tháng 7.2010 ông mua chiếc máy cày hiệu Mitsubishi hết 55 triệu đồng để làm đất, giải phóng sức lao động cho gia đình. Thế nhưng khi đưa về nhà, ông thấy nó còn có thể làm phương tiện đi lại trong điều kiện đường sá quá khó khăn ở Thượng Trạch.
Đặc biệt ở xã Thượng Trạch có quá nhiều trường hợp bệnh nhân bị chết do không có phương tiện vận chuyển đi cấp cứu kịp thời. Thế là, ông thuê thợ về làm thêm cái moóc chắc chắn nữa để khi cần thì… chở người. Không ngờ từ khi Đinh Hợp làm thêm cái moóc, ông đã chở trên 20 trường hợp bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời, giúp họ thoát khỏi lưỡi hát của tử thần…
Trong nhiều trường hợp đó, ấn tượng nhất là trường hợp đưa chị Y Vạc (40 tuổi) ở bản Troi đi cấp cứu. Ông Hợp kể: “Lúc đó đã 12 giờ khuya, cả nhà tui đang ngủ thì có tiếng kêu cửa thất thanh: “Bố Hợp ơi đến chở vợ con đi bệnh viện với, hắn đau cái bụng dữ dội lắm…”. Tui bật dậy. Từ nhà tui lên bản Troi gần 10km đường rừng, sau đó phải quay trở lại để về bệnh viện huyện mất gần 60km đường nữa.
Chiếc máy cày lầm lũi đi trong đêm. Mà đường 20 thì xấu vô cùng, nhiều đoạn lên dốc ngợp mặt, xuống dốc thì hun hút, tui phải dùng cày rà xuống đường để hãm máy lại không thì lộn nhào mất. Lái máy mà cái bụng tui nóng ran vì sau moóc con Y Vạc không ngừng kêu đau, người nhà hắn thì không ngừng thúc giục. Về đến bệnh viện lúc trời vừa sáng, con Y Vạc cũng được cấp cứu kịp thời. Các bác sĩ bảo, nó bị bục ruột thừa, nếu không mổ kịp là nguy đến tính mạng…”.
Chiếc máy cày của Đinh Hợp không chỉ dùng để chở bệnh nhân đi cấp cứu. Tết năm 2013, tỉnh Quảng Bình tổ chức gặp mặt những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc; xã Thượng Trạch có đến 18 người. Đang kỳ nghỉ tết, xe tải chạy công trình cũng nghỉ (thường người Ma Coong mỗi lần về huyện thường xin đi nhờ xe tải), việc họp không thể bỏ, ông Hợp đã quyết định lái máy cày để chở những người có uy tín về tỉnh họp.
Lần này thì một sự cố ngoài kế hoạch đã xảy ra. Vượt đoạn đường rừng, về đến miền xuôi, chiếc máy cày chở đầy người đang bon bon chạy thì bị CSGT tuýt còi vì vi phạm Luật Giao thông. Phải giải trình mãi các anh công an mới thông cảm, tiếp tục cho đi mới kịp họp. Hôm đó, giữa sân Nhà văn hoá trung tâm tỉnh Quảng Bình, chiếc máy cày của ông Đinh Hợp được xếp ngang hàng với những chiếc xe ôtô con sang trọng!
Đưa cây cao su lên bản
Với Đinh Hợp, việc giúp bà con mình khi khó khăn là lẽ đương nhiên, nhưng làm thế nào để giúp bà con bám làng, bám bản thoát được cái nghèo luôn làm ông trăn trở ăn ngủ không yên.“Mình giúp bà con bữa cơm, cân gạo chớ răng giúp cả đời được. Phải làm cái chi để bà con cùng nhau thoát nghèo lâu dài mới được” – Đinh Hợp nói.
Những lần về huyện công tác, ông đều tranh thủ đi thực tế các mô hình thoát nghèo ở địa phương khác. Sau nhiều cố gắng tìm hiểu, nhận thấy cây cao su thực sự thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, Đinh Hợp nghĩ phải quyết tâm đưa cây cao su lên bản. Nhưng để thay đổi được tập quán “chặt, đốt, cốt, trỉa” của người Ma Coong chuyển sang trồng cây công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc không phải việc dễ dàng. “Để bà con tin và làm theo thì mình phải làm được trước cái đã” – Đinh Hợp nói.
Nói là làm, đầu năm 2005 ông thuê người phát 5ha đất ở bản Nịu. Sau đó gom tiền nhảy xe vào Bình Dương mua giống cao su. Khi giống được chuyển về trung tâm xã, bà con 18 bản kéo nhau tới xem, ai cũng lắc đầu quầy quậy không tin mấy đống “củi bó” này sẽ giúp họ được ăn no mặc ấm. Để giúp bà con có việc làm và cũng giúp họ tập làm quen với kỹ thuật trồng cây cao su, Đinh Hợp thuê bà con dân bản cùng làm. Mỗi ngày hàng chục con người hì hục đào từng hố cao su, bón phân, làm cỏ… dưới sự giúp đỡ tận tình của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng.
Bây giờ nói về cây cao su, Đinh Hợp chẳng khác gì một lão phu điền nhiều kinh nghiệm. Vườn cao su của ông cũng đã gần 5 năm tuổi và theo như ông nói thì qua 2 mùa rẫy nữa sẽ thu hoạch, mình vui bà con cũng vui. Đinh San (bản Cà Roòng 1) phấn khởi: “Từ ngày Đinh Hợp đưa cao su về bản, bà con có thêm việc để làm, ai cũng vui hết. Nghe theo Đinh Hợp chừ ai cũng ưng trồng cây cao su”. Hiện nay xã Thượng Trạch đã có 3 hộ trồng cây cao su với diện tích gần 8ha. Cây cao su đang phát triển tốt trên vùng đất gian khó này, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho người Ma Coong…
Phan Phương