Ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu vấn đề: Việc Thủy điện Sông Tranh 2 liên tục xuất hiện nước trong lòng hồ từ thượng lưu thẩm thấu qua thân đập chảy ra phía hạ lưu có liên quan đến động đất xảy ra thời gian vừa qua hay không?
GS - TSKH Nguyễn Tiến Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Cơ học Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề ông và các đồng sự đang tìm hiểu. “Qua quan sát bằng mắt thường mấy ngày qua, chúng tôi chưa phát hiện có vết nứt trên thân đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 do động đất kích thích gây ra. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 phải theo dõi sát sao vết nứt làm rò rỉ nước tại các khe nhiệt, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ các thiết bị đầu dò sensor được gắn trong thân đập. Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào làm mất an toàn đập” - ông Khiêm khẳng định.
TS Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng: “Thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng tại khu vực có các đới đứt gãy địa chất đang hoạt động, có thể gây ra động đất. Vừa qua, đã xảy ra động đất kích thích, cường độ 3,4 độ richter. Trong lịch sử tại địa điểm này cũng từng đã xảy ra rất nhiều trận động đất lớn, nhỏ khác nhau”.
TS Minh nói thêm: “Chính việc chặn dòng sông Tranh để tích nước phát điện của Thủy điện Sông Tranh 2 ở cao trình 175m là “thủ phạm” gây nên hàng loạt trận động đất kích thích lớn, nhỏ vừa qua tại khu vực này”. Tuy nhiên, ông Minh lại cho rằng, rất khó trả lời nước chảy qua thân đập vừa rồi có liên quan đến động đất hay không vì “chúng tôi vào khảo sát thời gian ngắn quá nên cũng chưa thể trả lời ngay được”.
Ông Đinh Văn Thu đề nghị với đoàn công tác đề xuất với Bộ Khoa học - Công nghệ sớm thành lập một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về động đất ở khu vực thủy điện; gấp rút đặt một hệ thống quan trắc động đất tại 5 điểm quanh khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, dự kiến là xã Trà Bui, Trà Đốc (Bắc Trà My), Trà Mai (Nam Trà My), Tiên Hiệp và Tiên Ngọc (Tiên Phước). Theo TS Lê Huy Minh, 5 trạm địa chấn có giá trị đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng.
Trương Hồng