Dân Việt

Cán bộ y tế học 6 năm không chữa nổi bệnh “vặt”

11/04/2012 19:02 GMT+7
(Dân Việt) - 65,9% số xã tại Việt Nam chưa có bác sĩ đa khoa. Trong khi đó, nhiều cử nhân y khoa được đào tạo 6 năm mà yếu tới mức chưa điều trị được các ca bệnh thông thường...

PGS-TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định như vậy tại Hội nghị Khởi động nghiên cứu cấp quốc gia về đào tạo nhân lực y tế tại Việt Nam (ngày 10.4).

img
Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu số lượng và yếu về năng lực. Ảnh minh họa.

Nơi thiếu, nơi quá nhiều

Theo Bộ Y tế, điểm nổi cộm hiện nay là sự tập trung quá mức lực lượng bác sĩ ở thành thị mà trống trải ở nông thôn. Cụ thể, 60% số bác sĩ tập trung ở thành thị trong khi dân số thành thị chỉ chiếm 28% dân số cả nước. Tại một số vùng, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ rất thấp như trung du và miền núi phía Bắc chỉ có 32,4% và đặc biệt thấp như Điện Biên 16%, Sơn La 22%, Lai Châu 3,3%.

Ông Nguyễn Công Huấn – Giám đốc Sở Y tế Lai Châu bày tỏ, cả 93 xã của Lai Châu chưa hề có bác sĩ đa khoa. Hiện nay, cả tỉnh mới chỉ có 190 bác sĩ đều ở tuyến tỉnh và huyện. Tính đến cấp xã thì Lai Châu đang thiếu khoảng 300 bác sĩ nữa.

“Không thể gọi là bác sĩ khi nhiều người đo huyết áp không chuẩn, cầm kim tiêm không vững”.

Theo ông Huấn, nhu cầu nhân lực y tế của tỉnh đến năm 2015 là 600 bác sĩ, nhưng tính cả số sinh viên đang được đào tạo thì tỉnh mới lo được khoảng 300 người.

Hiện Lai Châu đang có hơn 100 sinh viên y tế được đào tạo theo chế độ cử tuyển nhưng ông Huấn vẫn lo đến lúc ra trường số cán bộ này cũng “thất thoát”, lại khó cử họ về công tác tại các xã xa xôi. Cho dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng/bác sĩ cho một đợt đi “nằm vùng” ở các xã (3-5 năm) và tới 200 triệu đồng/tiến sĩ, nhưng cũng chẳng ai thích “độc hành” ở những nơi địa bàn cách trở.

“Hơn nữa, trình độ của các bác sĩ mới ra trường của tỉnh cũng “chập chững”, phải đào tạo thêm vài năm nữa mới đáp ứng được nhu cầu công việc”- ông Huấn nói.

Không chỉ bác sĩ đa khoa thiếu mà đội ngũ điều dưỡng viên ở Việt Nam cũng mỏng. Hiện cả nước mới có hơn 81.200 điều dưỡng viên, trung bình 1,5 điều dưỡng viên/bác sĩ, chưa bằng 1/2 so với “chuẩn” của Bộ Y tế (3-3,5 điều dưỡng viên/bác sĩ). Cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh cũng chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu, tuyến huyện chỉ bằng 1/2 nhu cầu.

Khủng hoảng năng lực

Thiếu về số lượng nhưng chất lượng của cán bộ y tế cũng đáng bàn. Hiện ngành y chỉ có khoảng 25% số nhân lực có trình độ đại học. Thậm chí, y tế dự phòng chỉ có 11% số cán bộ có trình độ đại học, còn chứng chỉ chuyên ngành y tế dự phòng chỉ… 2% đạt. “Công tác y tế dự phòng rất quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh từ tuyến đầu, từ gốc. Nếu năng lực yếu như vậy thì sẽ khó xây dựng được một “thành lũy” vững chắc trong nhân dân” – TS Nguyễn Công Khẩn – Vụ trưởng Vụ Khoa học – Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết.

Theo Bộ Y tế, tổng số bác sĩ đa khoa hiện nay là hơn 62.500 người (gần 11% làm việc trong y tế tư nhân), trung bình có 6,5 bác sĩ /10.000 dân, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Giáo sư Nguyễn Văn Thái – Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân Việt Nam thì chỉ ra một thực trạng nguy hiểm là phải “cầm tay chỉ việc” cho bác sĩ. Ông bày tỏ: “Không thể gọi là bác sĩ khi nhiều người đo huyết áp không chuẩn, cầm kim tiêm không vững. Có cán bộ sở y tế đã từng khoe với tôi vừa hoàn thành việc hướng dẫn để có bác sĩ đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh tại địa phương. Vì thế, chúng ta cần phải có quy trình đào tạo bác sĩ thật nghiêm khắc”.

Nhân lực thiếu và yếu nhưng ngành y và ngành giáo dục lại không “bắt tay” nhau gây ra tình trạng đào tạo lệch khi đang ứ đọng một lượng lớn điều dưỡng, dược sĩ trình độ trung cấp không xin được việc. Năm 2011, chỉ tiêu tuyển sinh của các tr­ường trung cấp điều dưỡng, dược là 85.000 sinh viên. Vì vậy, năm 2012, Bộ GDĐT đã từ chối mở hệ trung cấp ngành này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, việc thừa thiếu vô lý này là do các trường chỉ đào tạo theo năng lực của nhà trường và thị hiếu học sinh chứ không theo nhu cầu xã hội. Như vậy, muốn nâng cao trình độ của nguồn nhân lực y tế thì cũng cần nâng cấp các trường.