1% và 4 giỏi
Đó là điều kiện xét tuyển dành cho học sinh huyện nghèo được Trường ĐH Ngoại thương đưa ra ngày 9.4. Theo đó, ngoài quy định của Bộ GDĐT, thí sinh được xét tuyển phải xếp loại học lực 3 năm cấp 3 loại giỏi và tốt nghiệp THPT loại giỏi. Trường này cũng lưu ý chỉ dành 1% chỉ tiêu xét tuyển đối tượng này.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tại Bắc Kạn. |
Tương tự, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng chỉ tuyển học sinh học lực giỏi và khống chế chỉ tiêu. Giải thích lý do, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, ông Lý Văn Xuân cho biết: “Chúng tôi biết yêu cầu này sẽ rất khó cho các em học sinh dân tộc thiểu số, nhưng nếu “cửa” mở quá rộng thì chất lượng đầu vào thấp, khó khăn cho việc đào tạo ở các trường”.
Tại TP.HCM, một số trường top dưới như ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng đưa ra yêu cầu 4 giỏi này. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì xét tuyển học sinh huyện nghèo có học lực 3 năm THPT đạt khá trở lên, trong đó 3 môn tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh vào trường mỗi môn phải đạt 7 điểm trở lên và hạnh kiểm tốt. Ngoài ra, trường này còn quy định chỉ dành cho mỗi huyện 1 chỉ tiêu duy nhất.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội chỉ xét 36 chỉ tiêu ở 3 nhóm ngành học cho học sinh huyện nghèo có học lực 3 năm cấp 3 đạt khá và tốt nghiệp khá trở lên. Trường này cũng lưu ý, trong trường hợp thí sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu công bố, nhà trường sẽ xét theo điểm trung bình chung lớp 12 của các môn học: Ngữ văn, lịch sử, địa lý, toán, và lấy điểm từ cao đến hết chỉ tiêu.
Dễ mà… không dễ
Biết điều kiện xét tuyển của các trường ĐH, lãnh đạo các sở, phòng giáo dục và nhiều trường THPT thuộc huyện nghèo đã lắc đầu ngao ngán bởi sự “thách đố” học sinh huyện nghèo.
Trường THPT Bộc Bố (Pắc Nặm, Bắc Kạn) năm nay có 200 học sinh lớp 12 thuộc diện được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ theo quy định của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, cả 200 em không có em nào thuộc diện học lực giỏi. Ông Lâm Văn Điển - Hiệu trưởng cho biết: “Học sinh trong trường đều thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, khả năng và điều kiện học tập rất thấp nên tỷ lệ đỗ vào ĐH, CĐ hằng năm cũng thấp. Giờ tiêu chuẩn các trường đưa ra lại vừa cao vừa ít như vậy thì các em cũng khó có cơ hội”.
Ông Nguyễn Văn Hồi - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hoá (Thanh Hoá) thì cho biết, trong số 270 học sinh lớp 12 thuộc diện xét tuyển năm nay, nếu chiếu theo tiêu chuẩn của các trường đưa ra thì chưa được 20 em đủ điều kiện. Ông Hồi nói: “Học sinh vùng này đa phần là gia đình khó khăn, những em theo học được đến lớp 12 có nghị lực rất lớn mới không bỏ học. Quy định của Bộ vừa le lói sự động viên các em thì các trường ĐH lại giội luôn “gáo nước lạnh” khi đưa ra tiêu chí quá cao. Những học sinh như thế thì thừa sức thi đỗ ĐH, không cần xét tuyển”.
Ông Dương Văn Hoa - Trưởng phòng giáo dục huyện Ba Bể (Bắc Kạn) nêu thực tế: “Từ đầu tháng 4.2012, phòng nhận hồ sơ xét tuyển của học sinh thuộc diện tuyển thẳng nhưng tới giờ chưa có em nào nộp, các em đều chán nản trước yêu cầu xét tuyển quá cao của trường mà em muốn được học”.
Tùng Anh