Có những cái chết hay những đám cưới không chỉ là chuyện của gia đình mà là sự kiện của quốc gia. Đám cưới của Thái tử Charles và Công nương Diana là sự kiện lớn của nước Anh, được tổ chức rình rang và có hàng nghìn khách mời trong và ngoài nước. Vì cả hai là người của vương quốc chứ không phải người thường.
Đám cưới của một người dân, một nông dân hay một đại gia là sự kiện lớn của gia đình chứ không phải của xã hội. Người trong dòng họ dự đã là quá đủ vui cho một cô dâu hay một chàng rể mới. Vì thế trong xã hội phong kiến, dù là đám cưới của người giàu hay quan lại, người ta cũng chỉ đóng khung trong nội bộ gia đình hay dòng họ, khách mời cũng chỉ là bạn bè thân thiết trong làng xã mà thôi.
Đám tang cũng thế. Lo hậu sự cho cha mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, phải liệu cơm gắp mắm mà làm. Nỗi buồn cũng là của riêng gia đình. Người ta muốn có “kèn trống” trong đám ma để đưa tiễn người thân, cho bớt lạnh lẽo mà thôi. Không hề có chuyện kinh doanh đám cưới, đám ma, bởi vì cưới xin, ma chay là phải tốn kém, nếu có ăn uống thì tiền mừng hay tiền phúng điếu là để “trả nợ miệng” mà thôi.
Không hiểu sao ngày nay, nhiều đám ma, đám cưới lại trở thành một dịp... kinh doanh! Nhiều tỉnh ra chỉ thị khi có đám ma tứ thân phụ mẫu của cán bộ lãnh đạo (chỉ từ phó giám đốc sở trở lên) thì phải thông báo cho toàn ngành, toàn tỉnh. Ai là người ra cái lệ này? Nên làm cho ra nhẽ. Cho nên không ít người mượn cớ đó để “thông báo” có triện đỏ hẳn hoi về cái chết của bố mẹ của mình hay của vợ, gây phản cảm và nghi ngờ về lòng hiếu thảo có mùi này. Có những đám ma mà anh chị em trong nhà tranh giành nhau để tổ chức...
Hiếu, hỷ là chuyện mỗi nhà, sao làm ầm ĩ? Thật hết biết!
Nguyễn Quang Thân