Mưa lâu thấm đất
Chị Lan kể, chị tốt nghiệp THPT thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Được nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống cách mạng từ khi mới lọt lòng, chị Lan không dự thi vào các trường chuyên nghiệp mà xin gia nhập quân đội.
Sau mấy năm chiến đấu ở biên giới Tây Nam rồi tình nguyện sang giúp bạn Campuchia, vì lý do sức khỏe, chị xin ra quân trở về quê hương. Chị được ND tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội ND xã Thái Trị- xã biên giới từng bị bọn Khmer đỏ “đốt sạch, giết sạch” khi chúng tràn qua biên giới.
Chiến tranh kết thúc, xã phải đưa xe đi đón từng người dân trở về. Nhưng khi ấy đất hoang hóa, bom mìn chỗ nào cũng có. “Mỗi khi phát cỏ khai hoang, đốt lửa nghe trái nổ rền cánh đồng, cô bác hoảng quá, nhiều người không chịu nhận đất sản xuất, bồng bế cả nhà chạy đi nơi khác”-chị Lan hồi tưởng. Những người chịu bám trụ với đồng ruộng thì chỉ quen sản xuất lúa mùa nổi (nước lên tới đâu, lúa nổi lên tới đó, có khi cao 3-4m) mỗi năm một vụ, năng suất chưa đến 20 tạ/ha.
Để người dân trụ lại với đất đai, xây dựng cuộc sống mới, từng bước từ bỏ tập quán làm lúa mùa nổi năng suất bấp bênh, Chủ tịch Hội ND xã Lê Thị Lan cùng bộ đội gỡ bom, mìn để Nhà nước đưa máy móc cơ giới vào khai hoang, đào kênh dẫn nước ngọt từ Vàm Cỏ Tây vào phục vụ thau chua rửa phèn. Chị cùng các ủy viên BCH Hội ND đến từng hộ vận động, thuyết phục cô bác kiên trì bám ruộng, tổ chức khai hoang.
“Mưa lâu thấm đất”, vận động riết bà con mới chịu nghe. Bà con làm thử giống lúa mới ngắn ngày chịu được phèn, 2 vụ/năm, năng suất 4-5 tấn/ha/vụ. Kênh mương thủy lợi hoàn chỉnh, lúa làm mỗi năm 2-3 vụ ăn chắc với năng suất 5-6 tấn/ha, có hộ đạt 7-8 tấn/ha.
Giữ đặc sản của vùng lũ
Đứng trên những ruộng sen trổ bông tươi hồng, chị Lan cho biết, trước đây những khu vực bưng trũng, làm lúa khó khăn nên cô bác trồng sen lấy ngó, lấy gương bán rất có giá, nhiều hộ xóa được nghèo, xây được nhà cũng nhờ lúa và sen. Tuy nhiên, vài năm nay, giá sen từ 30.000 đồng/kg rớt còn 5.000-6.000 đồng/kg, đầu ra lại không ổn định nên ND có xu hướng bỏ sen.
Chị Lê Thị Lan đang tìm cách vận động bà con nông dân xã Thái Trị giữ lại sen. |
“Tôi sẽ tìm cách vận động cô bác ráng giữ sen, vì sen không phải đầu tư, lại là nét đẹp đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Mất sen thì Đồng Tháp Mười cũng mất đi nét đặc trưng riêng”- chị Lan tâm sự.
Chị Lan đưa chúng tôi tới thăm một số hộ đã cất được nhà ngói khang trang, các bậc tri điền này đều tiếc nuối giống lúa huyết rồng một thời là “nữ hoàng” vùng Đồng Tháp Mười giờ đang có nguy cơ biến mất. Đây là giống lúa nhập từ Campuchia về, còn nguyên chủng, trồng không cần bón phân hoặc bón phân rất ít, năng suất 4-5 tấn/ha, chất lượng không chê vào đâu được.
Bây giờ lúa huyết rồng bị lai tạp, phải bón nhiều phân, mà năng suất chưa bằng phân nửa giống cũ, chất lượng gạo cũng kém hơn. Trước thực tế này, chị Lan không khỏi trăn trở. Chị đang nhờ các nhà khoa học giúp ND “tìm” lại giống lúa huyết rồng đạt chất lượng xuất khẩu như trước, bởi “Chỉ ở vùng Đồng Tháp Mười mới có loại lúa đặc biệt này” - chị Lan chia sẻ.
Khuynh Diệp - Quang Hảo