Giá rớt thê thảm
Huyện Cẩm Giàng hiện có khoảng 600ha cà rốt, cà chua, chủ yếu ở các xã Đức Chính (350ha), Cẩm Văn (150ha)... Cây cà rốt được trồng ở đây khoảng gần 10 năm nay và đã trở thành cây làm giàu của địa phương. Trồng cà rốt đơn giản, đầu tư ít, lãi cao, nhưng do thiếu đất, nhiều người dân ở Cẩm Giàng đã phải sang các huyện Kim Thành, Nam Sách, thậm chí sang cả huyện Gia Bình (Bắc Ninh) để thuê đất trồng cà rốt, cà chua.
Cà rốt ở Cẩm Giàng củ rất to, đều, đẹp nhưng giá vẫn thấp. |
Theo ông Nguyễn Văn Mịch- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn, khoảng 7 năm trở lại đây, cả xã đã có khoảng 40 hộ đi thuê đất với diện tích khoảng 60ha. Đa số các hộ thuê từ 2 - 3ha, một số hộ thuê tới 7 - 8ha. "Nếu giá cà rốt như năm ngoái (6.000 - 7.000 đồng/kg tại ruộng) thì trồng cà rốt hiệu quả hơn trồng lúa nhiều. Chỉ cần mỗi hộ trồng 2ha, mỗi năm lãi ít nhất 150 - 180 triệu đồng" - ông Mịch cho biết.
Năm 2007, anh Đỗ Văn Khải, ở thôn Uyên Đức, xã Cẩm Văn đã sang xã Đại Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) thuê 11ha đất bãi ven sông Đuống để trồng cà rốt. Anh Khải cho biết: "Vùng đất này rất hợp với cây cà rốt, củ nhanh lớn, năng suất cao, mẫu mã đẹp, cà rốt ít bị sâu bệnh. Tầm này năm ngoái, nhà tôi bán hết khoảng 80 - 90% cà rốt rồi, ấy thế mà bây giờ vẫn còn cả tấn cà rốt chưa bán hết". Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu tháng trước, giá cà rốt ở Cẩm Giàng đã xuống đến 3.000 đồng/kg, thì thời điểm này, giá chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Tốc độ bán cũng rất chậm, nhiều hộ đã bị thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi ha.
Thương lái không mua
Tại xã Đức Chính, nơi trồng nhiều cà rốt nhất Hải Dương, hiện vẫn còn khoảng 30% cà rốt chưa bán được do giá quá rẻ, thậm chí thương lái cũng chẳng buồn mua. Anh Nguyễn Văn Dũng, ở thôn An Lãng cho biết: "Cà rốt năm nay xấu mã hơn năm ngoái, vả lại do có quá nhiều cà rốt Trung Quốc giá rẻ tràn từ cửa khẩu Lạng Sơn về, nên cà rốt của mình rất khó cạnh tranh”. Theo anh Dũng, vụ trước cứ đến mùa là thương lái đến tận ruộng để mua, năm nay gọi điện mãi họ mới đến cân được vài tấn lại dừng. Hàng cũng chọn kỹ hơn, chủ yếu là hàng loại 1.
Ông Nguyễn Văn Chung - chủ doanh nghiệp Bình Sơn Đông, ở xã Đức Chính, chuyên mua cà rốt từ Hải Dương để đưa lên Hà Nội và các tỉnh phía Nam tiêu thụ cho hay: "Năm ngoái, trung bình mỗi ngày tôi thu mua khoảng 60 tấn cà rốt để xuất đi miền Nam, một phần đi Hà Nội. Năm nay khách "ăn hàng" ít hẳn, giá thấp nhưng hàng đi vẫn chậm".
Còn theo ông Trần Minh Hùng - chủ cơ sở thu mua cà rốt ở xã Cẩm Văn, nguyên nhân cà rốt ế ẩm là do chúng ta nhập quá nhiều cà rốt của Trung Quốc. "Vụ trước, 1 ngày tôi xuất 20 tấn, nay chỉ khoảng 5 tấn. Các mối hàng họ bảo cà rốt Trung Quốc mẫu mã đẹp hơn, giá rẻ hơn, nên thỉnh thoảng họ mới lấy vài tấn" - ông Hùng cho biết.
Việt Tùng