Biển đảo Việt Nam luôn có người canh giữ. Không chỉ những người lính được gọi là cột mốc sống trên Biển Đông, mà còn có nhiều công dân khác. Hàng vạn ngư dân kiên cường ngày đêm bám biển bất chấp hiểm nguy rình rập, những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam cũng là những cột mốc sống trên vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa. Mấy năm qua, nhiều công dân Việt Nam rời đất liền ra Trường Sa sinh sống; giáo viên ra dạy học; y bác sĩ ra chữa bệnh cho chiến sĩ và đồng bào. Tiếng khóc trẻ sơ sinh, tiếng ê a sách vở của học sinh trên đảo cũng là những cột mốc sống sinh động, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo phên giậu này.
Phật giáo là tôn giáo phổ biến nhất tại Việt Nam. Trường Sa là đất của Việt Nam, dân cư sinh sống trên quần đảo này là dân Việt Nam. Cho nên các tăng sĩ ra Trường Sa làm phật sự, chăm sóc đời sống tín ngưỡng của người dân nước mình. Không ai có quyền phản đối về hoạt động tôn giáo của người Việt Nam trên lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tăng sĩ ra các đảo trên quần đảo Trường Sa ngoài công việc phật sự - như các vị phát biểu - còn nhận trách nhiệm tham gia các hoạt động khác để nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa cho người dân. Các vị đều là những người còn trẻ tuổi, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, vốn kiến thức đó rất cần cho người dân sống xa đất liền, thiếu các điều kiện tiếp cận thông tin, sách vở. Việc đạo, việc đời nặng cả hai vai. Nhập thế để sống đạo và hành đạo. Hành đạo không có nghĩa là câu kinh lời kệ trong không gian của ngôi chùa, mà làm những việc có ích thật sự cho đất nước. Đến Trường Sa hành đạo là thể hiện lòng yêu nước bên cạnh công việc phật sự.
Từ nay, trên biển đảo quê hương, có thêm những cột mốc sống là những tăng sĩ. Rộng hơn là đời sống tín ngưỡng tôn giáo được lan tỏa đến nơi xa xôi của đất nước. Cột mốc tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa bám sâu vào những vùng đất này, làm cội rễ vững bền cho con cháu ngàn đời sau.
Chân Tâm