Dân Việt

Thiếu vaccin, dịch cúm gia cầm lan rộng

16/04/2012 16:46 GMT+7
(Dân Việt) - Trong lúc cơ quan chức năng đang lo đối phó với nhánh virus H5N1 cũ, thì nhánh virus H5N1 biến thể đã và đang lưu hành hầu khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), virus H5N1 đã xuất hiện nhánh mới 2.3.2 thay thế cho nhánh 2.3.4. Riêng nhánh virus cũ (nhánh 1) vẫn lưu hành ở các tỉnh phía Nam. Nhánh virus mới đã biến đổi, chia thành hai nhánh phụ A và B có sự khác biệt lớn về kháng nguyên. Trong đó, nhánh phụ A lưu hành ở 23 tỉnh, nhánh phụ B lưu hành ở 7 tỉnh.

img
Việc buôn bán gia cầm tràn lan có thể làm bùng phát dịch.

Trước tình thế trên, Bộ NNPTNT đã tạm dừng tiêm phòng vaccin trong năm 2012 đối với các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên (vì vaccin cũ không còn hiệu lực) đồng nghĩa với việc các tỉnh trên đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cảnh báo: “Hiện ở Campuchia đã có 8 trường hợp nhiễm cúm gia cầm và đều tử vong trong thời gian ngắn. Nhánh virus mới này đã đồng loạt có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Bangladesh, Ai Cập… Do đó, Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng”. Cục Thú y cảnh báo, dịch cúm gia cầm và các biến đổi về virus luôn luôn có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh vaccin không có hiệu lực với nhánh virus mới.

Theo Cục Thú y, độc lực của virus H5N1 nhánh 2.3.2 rất độc với gà và ít độc hơn với thủy cầm. Song hiện tỷ lệ bảo hộ của vaccin H5N1 Re-5 đối với nhánh phụ 2.3.2-A trong phòng thí nghiệm khoảng 70%, còn virus 2.3.2-B gần như không có kết quả.

Ông Kỳ cho biết thêm: “Đối với nhánh virus mới này, hiện nay chưa có nước nào nói rằng họ đã sản xuất được vaccin để tiêm bảo hộ đạt tới trên 90%. Trung Quốc cũng đang rất nỗ lực trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccin H5N1 Re-6 để tiêm phòng cho nhánh nhánh B này, song vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, nên có thể khẳng định năm 2012 này sẽ không có vaccin.

Theo Cục Thú y, tiêm phòng không phải là phòng được hết bệnh, mà các hộ chăn nuôi phải kết hợp nhiều biện pháp khác như chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, tăng cường công tác kiểm dịch, chọn con giống và thực hiện chăn nuôi thế nào cho có hiệu quả cao nhất.