Dân Việt

Anh tài “chân đất” hội ngộ giữa thủ đô

17/05/2012 05:59 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 18.5, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị đại biểu ND sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi toàn quốc lần thứ 4 do T.Ư Hội NDVN tổ chức.

Hơn 300 đại biểu đại diện cho hàng triệu hộ ND SXKD giỏi cả nước sẽ về dự hội nghị. Đến chiều 16.5, mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn của những anh tài “chân đất” đã sẵn sàng.

Hôm qua, nhiều đại biểu dự hội nghị đã có mặt tại Hà Nội. Tuy độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo và mô hình, quy mô sản xuất kinh doanh khác nhau, nhưng các đại biểu đều bày tỏ niềm vinh dự và phấn khởi được tham dự, giao lưu, gặp mặt, chia sẻ tâm sự trong một sự kiện lớn của tổ chức hội.

img
Các đại biểu làm quen ngay từ phút đầu gặp gỡ ở Hà Nội chiều 16.5.

Vinh dự lớn, trách nhiệm cũng lớn

Chị Đặng Thị Dịu - ND nuôi trồng hải sản giỏi ở khu 7, phường Hải Hoà (TP.Móng Cái, Quảng Ninh) là một trong những người về Hà Nội sớm nhất. Với chị, đây là lần thứ 5 chị về Hà Nội dự hội nghị tôn vinh người lao động, trong đó 3 lần chị đại diện cho những ND SXKD giỏi, tiên tiến của tỉnh Quảng Ninh.

“Được dự hội nghị là niềm vinh dự rất lớn, nhưng tôi thấy trách nhiệm cũng lớn không kém. Bản thân tôi và gia đình tâm niệm phải làm tốt hơn nữa công việc sản xuất, kinh doanh, đóng góp thêm cho lợi ích của Nhà nước và cộng đồng...” - chị Dịu thổ lộ.

Chị Trần Thị Hoè (thôn Trung Sơn, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng với đoàn đại biểu của tỉnh ra Hà Nội từ trưa ngày hôm qua. Đây là lần thứ 3 chị ra thủ đô Hà Nội. Hai lần trước chị ra dự hội nghị biểu dương hộ nghèo vượt khó và biểu dương điển hình tiên tiến. Lần này chị ra thủ đô với tư cách là hộ SXKD giỏi.

“Gia đình tôi từ nghèo vươn lên khá giả. Trong hành trình đi lên đó của gia đình luôn có sự hỗ trợ thiết thực của Hội và được ghi nhận. Đối với ND, phần thưởng dù là nhỏ nhưng sự động viên, khích lệ thật là lớn...” - chị Hoè xúc động.

Trong số hơn 300 đại biểu dự hội nghị, có rất nhiều người lần đầu tiên về thủ đô. Ông Lý Nguyên Bảo ở thôn Tẩn Lũng, xã Đồng Phúc (Ba Bể, Bắc Kạn) là người như vậy. Ông chia sẻ: “Mình quanh năm chỉ lo làm ở ở miền núi. Nay về thủ đô dự hội nghị lớn, lại được mời trình bày tham luận, chỉ sợ làm được mà không nói mạch lạc được...”.

Giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm

Bên cạnh niềm vinh dự, tự hào được ghi nhận công sức lao động, sáng tạo, đối với các đại biểu, Hội nghị đại biểu ND SXKD giỏi toàn quốc là dịp để các nhà nông gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.

Anh Tạ Văn Thắng (thôn Đống Long, xã Hoà Lâm, Ứng Hoà, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi làm mô hình nuôi thuỷ sản, ấp nở, cung ứng giống vịt bầu cánh trắng. Qua hội nghị, tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình, đồng thời cũng muốn tham khảo kiến thức, kinh nghiệm của các hộ có mô hình sản xuất tương tự tại các địa phương khác. Chắc chắn, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, kể cả không làm theo được do điều kiện ở mỗi nơi mỗi khác, nhưng tìm hiểu cũng là mở mang tầm nhìn, hiểu biết...”.

“Sau một thời gian chuẩn bị, đến nay mọi công việc từ nội dung, hậu cần, tuyên truyền đều đã hoàn tất, sẵn sàng cho Hội nghị đại biểu ND SXKD giỏi toàn quốc lần thứ 4 diễn ra thành công, an toàn và tiết kiệm...”.

Mặc dù vừa từ sân bay Nội Bài về đến nhà khách La Thành-nơi nghỉ của đoàn đại biểu tỉnh An Giang, nhưng trong câu chuyện về trồng, bảo quản, sơ chế hạt lúa thì anh Nguyễn Văn Hậu (ấp Phú Quới, xã Phú An, huyện Tân Phú) sôi nổi hẳn lên.

“Tân Phú là vùng nổi tiếng trồng lúa nếp. Mô hình máy sấy lúa và cung cấp dịch vụ kho chứa của gia đình tôi đã góp phần làm tăng giá trị cho hạt lúa nếp. Gạo xay xát ra đẹp mã, không bị vỡ, chi phí thấp hoặc bằng so với người dân phơi thủ công. Gia đình tôi có tất cả 15 máy sấy lúa với tổng công suất đạt 200 tấn/ngày, uy tín làm ăn đã được bà con vùng ghi nhận. Tôi muốn chia sẻ công việc của mình tại hội nghị với các đại biểu trồng lúa hàng hoá...”.

Lý do về Hà Nội sớm hơn 1 ngày so với đoàn đại biểu của tỉnh Đăk Lăk) là bởi anh Y On Niê, buôn Sút, thị trấn Ea Pôk (Cư Mgar) phải tập dượt việc trình bày tham luận trước hội nghị. Gia đình anh là một trong những hộ đồng bào dân tộc Ê Đê sống sung túc nhờ trồng 28ha cao su, và 6ha cà phê, với doanh thu năm 2011 đạt gần 4 tỷ đồng. Anh là một trong những hộ sản xuất điển hình của Nông trường Cao su Chour Gănc.

“Mình muốn nói với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tỉnh bạn một điều: Nhiều hộ đồng bào dân tộc Ê Đê, trong đó có nhà mình giờ đã có cuộc sống sung túc nhờ chính sách hướng dẫn, hỗ trợ, giao đất trồng cao su của Nhà nước. Bản thân mình sẽ nỗ lực hơn nữa giúp các hộ nghèo, bày kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cao su, cà phê cho thêm nhiều hộ khó khăn...”.

Ông Lý Nguyên Bảo (dân tộc Dao, thôn Tẩn Lũng, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, Bắc Cạn): Cần “đầu ra” bền vững cho nông sản

Mấy chục năm gắn bó với ruộng, với rừng, nhưng chưa bao giờ tôi hết trăn trở tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định. Thực tế hiện nay tổng thu nhập sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình chúng tôi cũng thu lãi được hơn 300 triệu đồng. Ngoài việc tái đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng các giống lúa, giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả… chúng tôi cũng đã giúp đỡ các hộ nông dân nghèo trong thôn, trong xã từ việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng, chuyển giao kỹ thuật mới, tặng cây, con giống...

img
 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, những sản phẩm chúng tôi làm ra tiêu thụ rất bấp bênh. Chỉ có hồng không hạt bản địa là dễ tiêu thụ, còn những trái cây ăn quả khác như mận, đào… lúc nào cũng bị thương lái ép giá, thậm chí phải đổ bỏ. Cứ bán mãi ở chợ xã, chợ huyện thì làm sao làm ăn lớn được! Chỉ mong Nhà nước có giải pháp giúp ND tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững.

Anh Bùi Văn Chung (thôn Ninh Ngoại, xã An Bình, Lạc Thủy (Hòa Bình): Mong được vay nhiều vốn hơn

Mấy năm nay, nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, làm ăn có khá hơn, tôi cũng giúp đỡ thường xuyên cho khoảng 30 lao động trong xã. Nhưng, thực tế, hiện mỗi năm tôi chỉ vay được 200 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT nên cũng gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng quy mô, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người lao động.

img
 

Ở những khu vực vùng sâu, vùng xa như chúng tôi cần có nhiều chính sách vay vốn với ưu đãi đặc biệt hơn. Tôi nghĩ mỗi năm được vay khoảng 1 tỷ đồng là có thể tạo ra được những đột phá trong phát triển kinh tế.

Ông Trần Ngọc Hiếu (xã Thụy Duyên, Thái Thụy, Thái Bình): Mở thêm nhiều lớp dạy nghề

Tôi mong các cấp Hội và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục để nông dân, chủ trang trại, HTX... quan hệ với khách hàng là người nước ngoài, xúc tiến thương mại, vay vốn với thời gian dài và lãi suất ưu đãi.

img
 

Thực tế, trong thời kỳ hội nhập kinh tế, ND chúng tôi còn thiếu nhiều kiến thức về mọi mặt, vì thế tôi nghĩ các cấp Hội ND cần mở nhiều lớp dạy nghề và đào tạo để nâng cao trình độ lao động sản xuất, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kể cả trình độ quản lý kinh doanh.

Ông Nguyễn Tơn (xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang, Khánh Hòa): Hỗ trợ mạnh cho ngư dân

Là người kinh doanh hải sản, hiện nay chúng tôi gặp không ít khó khăn về đầu vào vì chủ yếu trông vào nguồn đánh bắt xa bờ, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng và ở mức giá cao. Vì thế, tôi nghĩ, Nhà nước cần có những chính sách trợ giá xăng dầu cho ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ.

img
 

Bên cạnh đó, người thu mua hải sản cũng cần được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi nhiều hơn, tạo ra sự cân bằng cung - cầu. Đây là yếu tố quan trọng để gắn khai thác thủy sản với thị trường tiêu thụ bền vững, hạn chế những biến động về giá cả. Những giải pháp này sẽ phần nào giúp ngư dân - những người lao động trực tiếp trên biển- nâng cao đời sống, tích cực bám biển.