Ngày 16.5, Bộ Y tế họp bàn về ứng dụng công nghệ thông tin vào bệnh viện (BV), đặc biệt là ứng dụng để phẫu thuật trực tuyến, hội chẩn từ xa… với hy vọng kết nối với tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa như mong đợi.
BV Việt Đức (Hà Nội) là một trong những cơ sở đầu tiên triển khai BV vệ tinh (các BV tuyến tỉnh) với hệ thống tư vấn trực tiếp tới 6 BV đa khoa khác như: Bắc Ninh, Việt Tiệp (Hải Phòng), Thanh Hóa, Nam Định, Phú Thọ và khu vực Sơn Tây (Hà Nội).
Ca phẫu thuật nội soi trực tuyến của BV Việt Đức tới các BV vệ tinh và BV Phillipines. |
Từ ca phẫu thuật trực tuyến đầu tiên của BV Việt Tiệp với sự chỉ đạo của bác sĩ BV Việt Đức tháng 5.2005, đến nay, BV Việt Đức đã chỉ đạo và trợ giúp cho hàng trăm ca phẫu thuật khó ở tuyến dưới.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức, khoảng 20% số bệnh nhân đến Việt Đức là vượt tuyến không cần thiết. Ngoài ra còn khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông bị chết trên đường tới BV hoặc rơi vào tình trạng hôn mê, sốc nhiễm trùng, khi đến viện không thể cứu được. Nếu được tư vấn, hướng dẫn để phẫu thuật ngay tại tuyến dưới, bệnh nhân đỡ phải đi lại và giảm tử vong.
Bác sĩ Hoàng Trọng Hiền - Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, BV Việt Đức- người đang điều hành dự án cho hay, việc kết nối với các BV quốc tế rất ổn nhưng kết nối với BV vệ tinh thì rất khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là trình độ công nghệ thông tin của các bệnh viện vệ tinh quá yếu.
Hiện, hệ thống hội chẩn từ xa để kết nối giữa các bệnh viện là hệ thống Telemedicine. Tuy nhiên, “tại Việt Nam hiện nay theo tôi được biết thì chưa có bệnh viện nào có hệ thống Telemedicine hoàn chỉnh. Hệ thống hội chẩn chỉ thuần tuý kết nối qua hệ thống hội nghị truyền hình, do đó các thông tin của việc kết nối không được xuyên suốt, tức thời, một số quy trình thực tế tại Việt Nam không áp dụng được”- bác sĩ Hiền nói.
Tại hội nghị hôm qua, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, hầu hết các cơ sở y tế tuyến tỉnh trở lên đều có nối mạng Internet tốc độ cao. Khoảng 65% số BV ứng dụng phần mềm báo cáo thống kê, 20% ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể…
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào ứng dụng bệnh án điện tử và quản lý khám chữa bệnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phần mềm này sẽ giúp việc khám chữa bệnh nhanh hơn rất nhiều, đồng thời việc chẩn đoán của bác sĩ sẽ chính xác hơn nhờ nắm được tiểu sử bệnh tật của bệnh nhân.
Tuy nhiên, với phần mềm ứng dụng khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa thì ngành y tế vẫn còn lúng túng vì kỹ thuật cao, chi phí lớn trong khi nhân lực yếu. Ông Hoàng Trọng Hiền chia sẻ: “Cần phải có khâu đột phá về nhân lực mới có thể “chạy” được chương trình”.
Thứ trưởng Long thừa nhận, tuy ứng dụng công nghệ thông tin vào bệnh viện rất quan trọng nhưng các bệnh viện đầu tư cho nó rất manh mún, dàn trải. Đối với việc áp dụng hệ thống phẫu thuật trực tuyến đòi hỏi công nghệ cao, rất khó có thể mở rộng nếu không được đầu tư kinh phí. Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách này.
Diệu Linh