Dân Việt

Cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử

Nhóm PV Thời sự 11/11/2013 10:17 GMT+7
Để đối phó với khả năng thiệt hại do siêu bão Haiyan (bão số 14), hàng triệu người dân đã phải di dời tránh bão. Suốt dọc các tỉnh ven biển miền Trung và Bắc bộ, đây là cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, rạng sáng nay 11.11, siêu bão Haiyan (bão số 14) ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Trước đó, các tỉnh được dự báo nằm trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp là Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa... đã khẩn trương chuẩn bị đối phó với bão. Hàng triệu người dân được di dời, nâng tổng số người dân phải di dời tránh bão suốt dọc các tỉnh ven biển lớn nhất trong lịch sử.

Cưỡng chế tàu thuyền vào tránh bão

Đến 21 giờ tối qua 10.11, khu vực đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải của Hải Phòng đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10-11. Trên địa bàn quận Đồ Sơn, huyện Cát Hải đã có mưa trên diện rộng, gió to... Để đối phó với bão, trước đó một số địa phương ven biển như Đồ Sơn, Kiến Thụy, Hải An… đã thực hiện công tác di dân tại chỗ. Riêng khu vực nội thành, quận Ngô Quyền cũng tập trung di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng cho biết đã huy động 100% quân số để túc trực phòng chống bão. Lực lượng cơ động có hơn 1.500 người, lực lượng tại chỗ gần 5.500 người sẵn sàng chống bão. Ở các điểm đê xung yếu dễ gây sạt lở, vỡ đê khi bão đổ bộ như đoạn đê ở Kiến Thụy, Đồ Sơn, Tràng Cát (Hải An)… đã được bố trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu.

Lực lượng quân đội  và dân quân gia cố  đê biển xung yếu.
Lực lượng quân đội và dân quân gia cố đê biển xung yếu.

Tại Thái Bình, đến 18 giờ ngày 10.11, theo quan sát của phóng viên NTNN, vùng biển huyện Tiền Hải đã có gió giật cấp 6, cấp 7 và đang mạnh lên; mưa to bắt đầu xuất hiện. Trong mưa, vẫn thấy nhiều người dân tiếp tục neo giữ nhà cửa, tàu thuyền. Theo Ban chỉ đạo PCLB và TKCN tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh đã chỉ đạo di chuyển, buộc di chuyển 1.200 tàu thuyền của ngư dân đã vào nơi trú ẩn an toàn; trên 3.000 chủ đầm ngao, đầm nuôi trồng thủy sản đã rời chòi, đầm về nhà.

Tại Quảng Ninh, sáng 10.11 đến chiều 10.11, hơn 10.500 tàu, thuyền đang đánh bắt và vận hành ngoài khơi xa đã quay đầu hướng thẳng về đất liền để tránh siêu bão. Ngoài việc kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão, tỉnh còn tổ chức cưỡng chế 10 tàu cá mải đánh bắt trên vùng biển Cô Tô phải vào điểm tránh trú bão. Ông Mai Tuấn Phượng-Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban PCLB và TKCN huyện Cô Tô cho biết: “Lệnh cưỡng chế được đưa ra khi các chủ tàu viện ra đủ cớ để không phải vào nơi tránh trú”. Đến 16 giờ chiều qua, huyện Cô Tô đã có sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, trời bắt đầu có mưa vừa đến mưa to.

Khẩn trương di dời dân

Đến chiều tối 10.11, tỉnh Nam Định đã hoàn thành xong việc kêu gọi phương tiện tàu thuyền và ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn. Ông Lê Xuân Thủy - Giám đốc Sở NNPTNT, lực lượng chức năng đã kêu gọi được 2.089 phương tiện tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó, với khu vực biên giới biển đã kêu gọi được 1.788 tàu với 9.082 lao động và 14 tàu với 84 lao động vào các tỉnh địa phương giáp biển lân cận để tránh trú. Ngoài ra, tại 3 huyện ven biển của tỉnh là Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đến 15 giờ ngày 10.11 đã di dời được 16.200 dân.

Chiều 10.11, tại vùng biển Cửa Lò (Nghệ An) trời âm u, gió cấp 5 cấp 6, biển động dữ dội. Nhiều người dân và trẻ em kéo nhau ra xem sóng biển. Xe buýt và người tham gia giao thông đi lại bình thường. Trước tình hình này, Ban chỉ huy PCLB thị xã Cửa Lò cùng các đơn vị chức năng đã đến đốc thúc người dân sơ tán tránh bão. Ông Nguyễn Đình Tiến- Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết: “Thị xã Cửa Lò đã di dời xong 1.231 hộ dân với 4.296 nhân khẩu đến nơi an toàn, đưa toàn bộ 285 tàu, thuyền về nơi neo đậu. Hơn 100 chiến sĩ tăng cường tham gia chống bão cũng đã được bố trí về 3 phường trọng điểm để sẵn sàng khi có sự cố”.

Tại huyện Diễn Châu, bà con ngư dân vẫn đang tích cực neo đậu thuyền về nơi an toàn. Anh Nguyễn Đức - một ngư dân xã Diễn Thành cho biết: “Cơn bão này có sức tàn phá ghê gớm nên chúng tôi đã sớm giong thuyền về neo đậu an toàn”. Đến chiều 10.11, đã có 100% tàu thuyền ngư dân Diễn Châu trở về nơi neo đậu. Tại huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Từ ngày 9-10.11, huyện Quỳnh Lưu đã sơ tán hơn 4.290 hộ dân với 18.939 nhân khẩu vùng nguy hiểm ven biển và dưới chân hồ đập.

Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, cũng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có lệnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP.Hà Tĩnh khẩn trương di dời hơn 14.000 hộ với hơn 50.000 người dân sống gần khu vực ven biển.

Ghi nhận của NTNN, tại vùng biển xung yếu Lộc Hà, lực lượng chức năng đã kêu gọi tàu thuyền vào bờ và tổ chức neo đậu tại cảng cá và khu tránh bão xã Thạch Kim, Thạch Bằng. Theo ghi nhận số tàu thuyền chưa về nơi trú ẩn tại đất liền 23 chiếc với 131 lao động, huyện đang khẩn trương kêu gọi số tàu thuyền này vào nơi trú ẩn gần nhất.
Cả nước sơ tán gần 1 triệu người

Theo Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão Haiyan, tính chung cả 11 tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Phú Yên, hơn 330.000 hộ với trên 880.000 người phải sơ tán. Tuy nhiên, số người phải sơ tán đã lớn hơn nhiều so với thực tế. Cụ thể:

- Quảng Nam sơ tán 165.000 dân (tăng 48.000 người so với kế hoạch ban đầu).
- Quảng Ngãi: Sơ tán 127.000 người (tăng hơn 54.000 người).
- Sau khi bão đổi hướng, Thanh Hóa sơ tán 44.600 người; Nghệ An sơ tán 46.600 người.
- Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh... cũng đã cấp tập sơ tán hàng trăm ngàn dân.