Ngày 16.4, công tác tìm kiếm thi thể của các nạn nhân trong vụ sạt lở đất đá thải của mỏ than Phấn Mễ (thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ tiếp tục diễn ra khẩn trương. Tuy nhiên,
vẫn chưa có thêm nạn nhân nào được tìm thấy.
Hy vọng nhỏ nhoi...
Chiều 16.4, chúng tôi gặp cụ ông Hà Văn Xuân (90 tuổi), người duy nhất sống sót sau vụ sạt lở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên. May mắn thoát hiểm do mái nhà sập xuống đúng giường ngủ, vô tình tạo thành “hầm dã chiến”, nhưng cụ Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng và đang bị đau, nhức ở đầu, cổ, tay.
Cụ Hà Văn Xuân (thứ hai từ trái sang) đang kể lại diễn biến vụ tai nạn với thân nhân. |
Cụ Xuân phều phào nói: “Lúc ấy, tôi thậm chí còn không kịp nhận ra điều gì và chỉ kịp phản ứng bằng cách nằm nghiêng người để núp khi mái nhà ập xuống”.
Anh Hà Văn Hào (con trai cụ Xuân) không giấu nổi nỗi đau khi kể lại: “Bố tôi may mắn không bị tai nạn. Nhưng mẹ tôi (bà Vũ Thị Hồng, 85 tuổi) đã không thoát được, còn ruộng vườn thì mất sạch. Bây giờ, người sống chúng tôi vừa chịu nỗi đau mất người thân, vừa lo lắng không biết sau này sẽ sống như thế nào”.
Khoảng 14 giờ ngày 16.4, được sự đồng ý của UBND tỉnh, mỏ than Phấn Mễ đã mời TS Vũ Văn Bằng - Phó viện trưởng Viện Công nghệ nước và môi trường tới hiện trường hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân.
TS Bằng là người từng tìm kiếm thành công vị trí các nạn nhân tại vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An), năm 2011. Bằng máy dò tìm địa bức xạ BXT-09, sau 3 giờ, TS Bằng xác định 2 vị trí có dấu hiệu có thể có nạn nhân phía dưới, một vị trí có 4 người, một vị trí có 1 người, nằm ở độ sâu 5-6m, cách nhau khoảng 50m và đã được đánh dấu để dò tìm.
Dù rất nỗ lực với 5 máy xúc và hàng trăm người thuộc các lực lượng cứu hộ, cứu nạn làm việc hết công suất, nhưng đến 20 giờ ngày 16.4, đội cứu hộ vẫn chưa tìm thấy 5 người mất tích.
Có mặt tại hiện trường, ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng ban chỉ đạo cứu hộ cho biết: “Hy vọng cứu sống các nạn nhân đang bị vùi lấp dưới hàng chục nghìn tấn đất đá dù nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng đến cùng”.
Ở xóm Khuôn 2, xã Phục Linh, quá lo lắng sau khi vụ sạt lở đất xảy ra, nhiều hộ dân đã vội vã sơ tán. Anh Nguyễn Văn Hoan cho biết: Lâu nay, các hộ dân đã có đơn yêu cầu di dời, nhưng chưa hề nhận được ý kiến trả lời từ phía mỏ. Bây giờ thì chúng tôi phải tự chuyển đi thôi, không chờ được nữa!”.
“Chưa thể quy trách nhiệm...”
Đây cũng không phải là lần đầu tiên người dân xã Phục Linh phải chịu cảnh sạt lở kinh hoàng. Trước đó, vào các năm 1998 và 2006, sạt lở đã diễn ra.
Trao đổi về vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân sống quanh khu vực bãi đất thải, ông Phạm Hồng Quân - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết, công ty đã nhiều lần đề xuất di dời các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm, nhưng người dân không đồng ý với phương án đền bù của công ty, còn chính quyền địa phương cũng chưa tính toán và đề ra phương án đền bù rõ ràng.
“Bãi thải Phấn Mễ đã hình thành cách đây 67 năm. Riêng bãi phế liệu số 3 (nơi xảy ra sạt lở) hình thành cách đây 10 năm nhưng lâu rồi chúng tôi không còn đổ phế thải ở đây nữa. Trách nhiệm chính của ai thì phải bàn sau chứ bây giờ không thể quy cho ai được!” - ông Quân bình luận khi được hỏi về trách nhiệm của công ty sau khi vụ sạt lở xảy ra.
Đức Hiếu