Dân Việt

ĐH - CĐ 2012: Hồ sơ ảo giảm đáng kể

17/04/2012 05:51 GMT+7
(Dân Việt) - 16.4 là hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ tại các trường THPT. Theo nhận định của nhiều trường, lượng hồ sơ giảm đáng kể và xu hướng chọn ngành vẫn nghiêng về kinh tế.

Hồ sơ khối ngành kinh tế vẫn áp đảo

Tại Hà Nội, đến cuối ngày 16.4, Sở GDĐT cho biết mới nhận được 40% hồ sơ tuyển sinh trên tổng số hơn 100 trường trên địa bàn. Bà Tạ Song Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp cho biết:

“Sở đang tiến hành phân loại hồ sơ, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng lượng hồ sơ đã có xu hướng giảm nhiều so với các năm trước, trong đó hồ sơ khối ngành kinh tế (các khối A, D) vẫn chiếm áp đảo”.

img
Học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Văn phòng đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM.

Trường THPT Vân Cốc - Phúc Thọ (Hà Nội) đã hoàn thành việc thu hồ sơ của học sinh trong ngày 14.4. Ông Nguyễn Đức Thắng – cán bộ thu nhận hồ sơ cho biết: “Tổng số học sinh của trường là 400 em, số hồ sơ nhận được khoảng 700 bộ, giảm hơn 100 bộ so với năm 2011. Lý do là trường đã làm tốt hơn công tác định hướng nghề nghiệp cho các em từ đầu năm học”.

Cũng theo ông Thắng, khối ngành kinh tế vẫn chiếm lượng lớn nhất trong tổng hồ sơ của trường và thuộc về các học sinh có học lực khá trở lên. Ở các trường top giữa, đông nhất vẫn là ĐH Công nghiệp Hà Nội (chiếm 1/3 lượng hồ sơ) sau đó đến các Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Tài chính- Kế toán, Quản trị kinh doanh…

Tại TP.HCM, theo bà Hương Giang - phụ trách nhận hồ sơ của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, trường đã nhận tất cả 1.543 hồ sơ đăng ký dự thi từ 1.214 học sinh lớp 12. Bà Giang cho rằng, nếu nhìn từ số liệu trên thì số hồ sơ “ảo” năm nay không nhiều như mọi năm.

Tương tự, thống kê của Phòng giáo vụ Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho thấy, có khoảng 1.300 hồ sơ trên tổng số 1.000 học sinh lớp 12. Ở các trường THPT chuyên hoặc nổi tiếng có nhiều học sinh học lực khá giỏi như Chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Gia Định... đa số học sinh chọn đi du học hoặc chọn thi những trường ĐH có điểm chuẩn hàng năm cao như: Y dược, Kinh tế TP.HCM, Ngoại thương (cơ sở 2)...

Èo uột khối C

Vẫn được coi là khối ngành yếu thế, nhưng năm nay số hồ sơ các trường khối C thu được thực sự báo động về tình trạng thờ ơ với khối thi này.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Trường THPT Vân Cốc – Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, trường chỉ nhận được hơn 10 hồ sơ của học sinh đăng ký dự thi khối C trên tổng số 400 hồ sơ. Tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đồng Nai), đa số học sinh đều chọn các khối thi A, A1, D; khối C chỉ có 14/2.500 hồ sơ. Trường THPT Dương Minh Châu (Tây Ninh) nhận được 20 hồ sơ khối C trên tổng số 1.500 hồ sơ.

Từ ngày 17.4 đến hết ngày 23.4 thí sinh vãng lai sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên Cơ quan Bộ GDĐT tại TP.HCM, đến thời điểm này cơ quan đã nhận hơn 10.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, hồ sơ khối C cực ít.

Ông Cường cho biết: “Các em vẫn còn tâm lý sợ môn xã hội, cho rằng học khối C ra trường khó kiếm việc, lương không cao... nhưng không biết rằng rất nhiều nhóm ngành xã hội đầu vào dễ, mà nguồn nhân lực trình độ cao đang thiếu. Vì vậy, các trường cần làm tốt hơn công tác hướng nghiệp”.

Trước thực trạng học sinh thờ ơ với khối C, nhiều trường ĐH, CĐ có đào tạo các chuyên ngành xã hội năm nay phải mở rộng sang các khối khác vì sợ không tuyển đủ. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh khối A cho 3 ngành Quan hệ công chúng, Kinh tế chính trị và Xã hội học; Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng bổ sung thêm khối A cho ngành Báo chí và Ngôn ngữ học.

Tương tự, ĐH Quốc gia TP.HCM từ vài năm nay đã tuyển sinh khối A (và năm nay bổ sung thêm khối A1) cho 5 ngành Triết học, Địa lý học, Xã hội học, Khoa học thư viện và Quy hoạch vùng và đô thị.