Dân Việt

Nam Định: Chia để làm nông thôn mới

18/04/2012 06:41 GMT+7
(Dân Việt) - Sau gần 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới theo chính sách “chia để... làm”, hộ lo xây dựng hộ, thôn lo xây dựng thôn, xã lo xây dựng xã, bộ mặt nông thôn ở Nam Định đã có nhiều thay đổi.

Sức mạnh từ nhân dân

Trực Nội (huyện Nam Trực) là một trong 10 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của Nam Định. Cuối năm 2009, Trực Nội bắt đầu làm NTM, khi triển khai xã gặp không ít khó khăn. Trong cái khó ló cái khôn, xã đã rút ra kinh nghiệm là “lấy sức dân làm gốc” bằng cách huy động người dân đóng góp tiền của, đất, ngày công.

img
Dồn điền đổi thửa giúp nông dân tiến tới nền sản xuất hàng hóa, năng suất cao.

Ông Tô Đình Thức- Chủ tịch UBND xã Trực Nội nói: “Chúng tôi xác định NTM là sự nghiệp lâu dài, nên xã đã cùng người dân bàn bạc việc gì, công trình gì cần làm trước thì làm trước, trên nguyên tắc công khai, đồng thời xác định rõ điều kiện kinh tế của từng đối tượng để họ đóng góp, có thể bằng công hoặc bằng tiền, mà không ảnh hưởng đến đời sống”.

Trong những sáng kiến đó, có việc vận động con em quê hương đi làm ăn xa, hội đồng hương… đóng góp xây dựng NTM. Hiện xã Trực Nội đã huy động được gần 20 tỷ đồng từ hội đồng hương, con em đi làm ăn xa đóng góp.

Ông Lê Xuân Thủy- Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Phó ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Nam Định cho biết: “Việc đầu tiên mà chúng tôi thực hiện được là hoàn thành quy hoạch cho 206/209 xã, trong đó có tới 96 xã đã bắt tay ngay vào xây dựng NTM giai đoạn 2012-2015”.

Theo ông Thủy, Nam Định xác định xây dựng NTM là việc làm to lớn của toàn dân và để làm được phải làm từ đồng về làng, từ gia đình ra thôn, xóm, từ xã ra huyện… “Để thực hiện phương châm này, chúng tôi có 81/96 xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa, đạt 1 – 2 thửa/hộ” - ông Thủy cho biết.

Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Theo ông Nguyễn Phùng Hoan- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, việc xây dựng NTM ở Nam Định mới chỉ bắt đầu và còn rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn là, tỉnh vẫn còn một số đề án chưa được xác định, kinh phí huy động còn thấp và Nhà nước vẫn chưa giao chỉ tiêu quỹ đất trồng lúa cụ thể cho tỉnh, nên các xã, thị trấn vẫn chưa hoàn thành việc lập và duyệt quy hoạch sử dụng đất đã làm chậm việc phát triển sản xuất nông nghiệp…

Đến hết năm 2011, Nam Định đã huy động được 1.040 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 319,319 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 290,359 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 100,249 tỷ đồng và các nguồn vốn khác.

Để tháo gỡ những khó khăn đó, ông Hoan cho biết: “Việc đầu tiên là phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, từ đó làm thế nào để cả cán bộ và người dân hiểu xây dựng NTM là trách nhiệm chung, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, địa phương phát huy nội lực là chính. Bên cạnh đó, các ban, ngành đoàn thể cần có những phong trào cụ thể về xây dựng NTM, nhằm tạo sức mạnh cộng đồng thúc đẩy phong trào xây dựng NTM phát triển sâu rộng”.

Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã có 8 xã đạt từ 13 – 16 tiêu chí NTM, 51 xã đạt từ 10 – 12 tiêu chí, 145 xã đạt 5 – 9 tiêu chí và 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong số 96 xã được chọn xây dựng NTM giai đoạn 1, đã có 377 công trình được xây dựng, trong đó 186 công trình đã hoàn thành vừa đưa vào sử dụng như trường học, chợ, kênh mương nội đồng… Theo kế hoạch, trong năm 2012, Nam Định sẽ hoàn thành dồn điền, đổi thửa, quy hoạch tổng thể và từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm: “Làm từ ngoài đồng vào làng, từ xóm lên xã”.