Ở các tỉnh đồng bằng, miền xuôi có trình độ dân trí cao, thì hễ một thanh niên nào lớn lên, rời ghế nhà trường phổ thông, coi như là đã "thoát ly", một đi không trở lại. Những người này, sau 4-5 năm học đại học, thường bám trụ lại thành phố, chứ không chọn giải pháp về quê để làm việc.
Với những người không có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn, họ cũng khăn gói ra các thành phố lớn hoặc đi xuất khẩu lao động hết, chứ nhất quyết không chịu ở lại quê. Chính điều này đã để lại cho nông thôn một "lỗ hổng" lớn về trí thức, sức trẻ, khi những người còn lại ở nông thôn chỉ toàn là các cụ già về hưu dưỡng già và một tỷ lệ tầng lớp trung niên của "thế hệ cũ".
Bởi thế, có nhiều người đã nhận xét: Bây giờ cứ hô hào, cứ bảo làm NTM đi, nhưng làm NTM với chỉ những con người như thế thì ai làm, làm như thế nào, ai quản lý.
Ở các tỉnh miền núi, xa xôi thì lại khác, thanh niên trai tráng ở quê không thiếu, nhưng họ lại "yếu". Yếu ở đây là yếu về trình độ, nhận thức, tư duy thì vẫn còn ham chơi, lười lao động. Có những nơi đến Chủ tịch xã còn đang đi học chữ hoặc học tính toán, thì làm NTM thế nào. Và chính những con người ấy lại tự biến mình thành con người cũ, mà đã là người cũ thì không thể làm cái mới là NTM được.
Để giải quyết bài toán hóc búa này, và thay đổi tư duy để làm NTM, thì trước tiên cấp tỉnh, rồi cả T.Ư cũng phải thay đổi tư duy về nông thôn. Không nên mải mê chạy theo việc phân bổ số vốn bao nhiêu, đến bao giờ thì 50% số xã của tỉnh mình đạt tiêu chí NTM, mà cái chính là phải có chính sách thu hút người tài, người có tâm huyết về với nông thôn...
Ngọc Lê