Ông Bảy cược rằng: “Ai nghi ngờ cá điêu hồng Đồng Tháp có nhiễm chất cấm gì đó thì cứ đến bè cá của tôi lấy mẫu đi kiểm định”.
Ông Bảy nói như thế vì quá ức, người ta đã đổ oan cho con cá của nông dân, đẩy người nuôi cá đến chỗ phá sản. Nỗi bức xúc đó không chỉ riêng một mình ông Bảy mà đối với người nuôi trồng thủy sản toàn vùng ĐBSCL. Tính riêng Đồng Tháp đã có 1.300 lồng bè nuôi cá điêu hồng thương phẩm, các địa phương khác số lượng cũng không ít. Cho nên, khi thông tin có điêu hồng nhiễm chất Trifluralin, nông dân nuôi cá điêu hồng điêu đứng.
Dân mình bị ám ảnh bởi thực phẩm không an toàn vệ sinh, cho nên khi có bất cứ tin gì liên quan đến các loại thực phẩm nhiễm chất độc là tẩy chay ngay, ít nhất là tạm thời. Nhưng đợi đến khi minh oan được cho con tôm, con cá hay quả bưởi, thì nông dân đã tan nát đời nông dân. Còn nhớ mới đây, người nuôi cá kèo và cá rô đầu vuông đã phá sản vì những thông tin như vậy.
Chỉ mới mấy hôm tin tức về con cá điêu hồng bị nhiễm chất độc loang ra, người tiêu dùng sợ hãi như sợ con heo có chất tạo nạc. Người nuôi heo lao đao chưa qua cơn khủng hoảng thì người nuôi cá điêu hồng chết đứng. 13.800 tấn cá của nông dân Đồng Tháp có nguy cơ thành mắm.
Việc cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước, chất độc hại trong thực phẩm, vật nuôi, cây trồng là cần thiết, nhưng việc cung cấp thông tin cũng như đưa tin là hết sức thận trọng. Không thể trách người tiêu dùng bởi vì họ phải đề phòng cho sức khỏe của chính mình, vậy thì trách ai? Các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học liên quan đến nông lâm sản và thủy sản cần phải có phản ứng kịp thời, công bố thông tin chính xác để không gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng đến người nông dân nuôi trồng thủy sản. Những thông tin theo kiểu gặp đâu nói đấy, thiếu cân nhắc lợi hại ắt gây nên những hậu quả khôn lường.
Về vụ cá điêu hồng chưa yên, nông dân cũng như người tiêu dùng đang chờ đợi những kết luận từ phía các cơ quan liên quan. Làm gấp cho dân nhờ.
Chân Tâm