Không chỉ có vậy, một bộ hoành phi câu đối tại Đền Mẫu bị đặt sai vị trí của hai vế đối.
Đền Mẫu Âu Cơ thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (Ảnh: PV/Vietnam+) |
"Thiếu nét phẩy, chữ mất ý nghĩa"
Bức đại tự thứ hai tại Đền Mẫu Âu Cơ (tính từ ngoài vào) bao gồm bốn chữ "Quyết Sơ Dân Sinh." Tuy nhiên, theo phản ánh của bác Trần Văn Sinh, thành viên lớp thư pháp chùa Hoằng Ân (Quảng Bá, Hà Nội), chữ "Sơ" (chữ thứ hai từ phải sang trên bức đại tự) bị viết thiếu một nét phẩy.
Phóng viên đã có buổi làm việc với thạc sỹ Nguyễn Thanh Diên (giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này trên cơ sở những bức ảnh chụp lại bức đại tự tại Đền Mẫu Âu Cơ.
Thạc sỹ Nguyễn Thanh Diên khẳng định: "Đúng là chữ 'Sơ' trong bức đại tự đã bị viết sai."
"Chữ 'Sơ' là một chữ hội ý và được cấu tạo bao gồm bộ 'Y' và bộ 'Đao' ghép vào với nhau. Tuy nhiên, bộ 'Y' trong chữ 'Sơ' ở bức đại tự lại bị viết nhầm thành bộ 'Kỳ.' Với những người biết chữ Hán thì vẫn có thể luận được đó là chữ 'Sơ' nhưng xem xét cụ thể vấn đề, chữ đó rõ ràng đã bị viết sai. Phải là bộ 'Y' thì mới đúng với cách tạo chữ và ý nghĩa của chữ," thầy Diên phân tích.
Cụ thể, chữ "Sơ" viết thiếu một nét phẩy. "Như vậy, lập tức bộ 'Y' chuyển thành bộ 'Kỳ' và khi bộ 'Kỳ' ghép với bộ 'Đao' sẽ không thể ra được chữ 'Sơ' với ý nghĩa là sự mở đầu, bắt đầu," chuyên gia nhận định.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu, với Hán tự, viết sai như vậy là bất thành văn.
Vế đối sai vị trí
Cùng với đó, cũng theo phản ánh của bác Sinh, bộ hoành phi câu đối đặt ở bên trái bức đại tự nói trên (nhìn từ ngoài vào) bị đặt sai vị trí của hai vế đối.
Đồng quan điểm với bác Trần Văn Sinh, thạc sỹ Nguyễn Thanh Diên cũng cho rằng vị trí của hai vế đối đó hiện đang bị đặt sai so với nguyên tắc bằng-trắc.
"Theo luật đối liễn, khi nhìn trực diện, vế đối 'Hách Hách Quyết Chiêu Độ Thanh Trạch' kết thúc bằng thanh trắc thì phải đặt ở bên phải; vế 'Dương Dương Tại Ngưỡng Linh Thượng Quang' kết thúc là thanh bằng phải đặt bên trái. Thế nhưng, tại đền Mẫu, hai vế đó bị đặt nhầm vị trí của nhau," thầy Diên giải thích.
Các văn bản chữ Hán phải được đọc theo quy tắc từ trên xuống dưới và từ trái qua phải. Theo đó, bộ câu đối đó khi đọc đúng thứ tự sẽ là: "Dương Dương Tại Ngưỡng Linh Thượng Quang/Hách Hách Quyết Chiêu Độ Thanh Trạch."
"Tuy nhiên, với cách treo vế đối ngược vị trí như bây giờ, nếu theo đúng trình tự trên thì câu đối sẽ được đọc là: 'Hách Hách Quyết Chiêu Độ Thanh Trạch/ Dương Dương Tại Ngưỡng Linh Thượng Quang' và như vậy là sai," thầy Nguyễn Thanh Diên cho hay.
Điều đáng nói hơn, hiện tượng này không phải mới xuất hiện tại Đền Mẫu Âu Cơ. "Tôi đã góp ý từ khoảng bốn, năm năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ban quản lý có động thái gì xem xét, nghiên cứu để sửa lại vị trí hai vế đối cho đúng," bác Sinh bày tỏ.
Bà Lê Thị Kim Thanh, Trưởng Ban quản lý khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ thừa nhận: "Thực tế, nhiều du khách đến đây cũng đã góp ý về việc đặt sai vị trí hai vế đối. Tuy nhiên, do chưa có chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên nên chúng tôi chưa thay đổi lại,"
Bên cạnh đó, bà Thanh cũng khẳng định, thời gian tới, Ban quản lý sẽ mời các chuyên gia đến thẩm định lại độ chính xác của các chữ viết trên các bức đại tự và vị trí các vế đối trong các câu đối tại Đền Mẫu Âu Cơ.
Cụ thể, ở chữ "Triệu," bộ Duật thiếu nét sổ xuống; còn chữ Tổ, đáng là bộ "Kỳ" (hay còn gọi là bộ "Thị") thì lại bị viết thành bộ "Y"; ở chữ "Bang," lẽ ra là bộ "Phong" thì lại viết thành bộ "Thủ."
"Tại những nơi tôn nghiêm và linh thiêng như Đền Hùng và Đền Mẫu Âu Cơ, chúng ta không thể để tồn tại những lỗi sai như vậy. Du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài biết chữ Hán sẽ đánh giá thế nào về thực trạng đó?" thạc sỹ Nguyễn Thanh Diên bày tỏ.