Dân Việt

Sự sống người bệnh nhờ vào máu bạn

18/03/2013 13:42 GMT+7
Dân Việt - Sự chung tay giúp sức của các bạn góp phần cứu thêm một mạng người. Đi hiến máu mỗi lần chừng 1h đồng hồ đem lại sự sống 3 tháng cho một người, có thể nói, không có hành động nào nhân đạo hơn hành động này.

Bệnh nào cần truyền máu?

Trước khi làm rõ vấn đề này, chúng ta cần hiểu vai trò sống còn của máu. Vì đó là cơ sở cho liệu pháp điều trị mang tên truyền máu.

Về mặt y học, máu rất phức tạp. Nhưng chúng ta có thể hiểu đơn giản máu là một hỗn hợp dịch và tế bào có chức năng vận chuyển dinh dưỡng và oxy cho mọi tế bào. Do đó, máu là nguồn sống và là cách thức duy nhất cơ thể duy trì sự sống.

img
Đi hiến máu mỗi lần chừng 1h đồng hồ đem lại sự sống 3 tháng cho một người. Ảnh minh họa

Để đảm nhiệm được chức năng không gì có thể thay thế này máu cần có các tế bào máu, các thành phần hòa tan và nước. Khi cơ thể người bệnh vì một lý do nào đó không thể tạo ra máu theo đúng nghĩa hoặc không có đủ máu cho nhu cầu sống bình thường thì người đó cần truyền máu.

Trong phạm vi ở đây, chúng tôi không đề cập đến các tình huống truyền máu liên quan đến ngoại khoa hoặc cấp cứu như truyền máu cho người bị chấn thương mất máu nặng, truyền máu cho phẫu thuật, truyền máu do chảy máu nội tạng…Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến tình huống truyền máu do các nguyên nhân bệnh lý nội tại của cơ thể và người bệnh phải truyền máu kéo dài hoặc suốt đời.

Tựu trung lại có hai nhóm bệnh chính cần phải truyền máu đó là bệnh dẫn đến thiếu tế bào máu và nhóm bệnh dẫn đến thiếu các thành phần hòa tan. Nhóm bệnh làm thiếu các tế bào máu như hồng cầu, tiểu cầu là những bệnh làm thiếu một phần hoặc tuyệt đối các tế bào này, gây ra thiếu máu nghiêm trọng. Đa phần các bệnh này liên quan đến tủy xương và đến thận.

Liên quan đến tủy xương là vì tủy xương là cơ quan duy nhất sản sinh ra các tế bào máu chức năng. Nó được coi như là nguồn của máu. Tủy xương bị mất chức năng thì đương nhiên người bệnh bị thiếu hai nhóm tế bào này. Điển hình đó là bệnh ung thư máu hay còn gọi là bệnh máu trắng. Trong máu người bệnh vô khối là những tế bào bệnh lý, người bệnh bị thiếu hoàn toàn tế bào quan trọng nhất-hồng cầu, nên máu không có màu đỏ. Thay vào đó chúng bị bạc màu đi và người ta gọi đó là bệnh máu trắng. Bệnh này cần truyền máu tuyệt đối.

Một bệnh khác của tủy xương đó là suy tủy xương. Suy tủy xương thường gặp ở những người bệnh bị nhiễm độc nghề nghiệp. Các chất độc gây ức chế tủy nghiêm trọng và người bệnh bắt buộc phải truyền máu trong một giai đoạn kéo dài.

Cũng có khi người bệnh không bị suy tủy mà bị suy thận thì cũng có hiện tượng thiếu máu. Thận sản sinh ra một yếu tố kích thích tủy. Thiếu yếu tố này tủy cũng không hoạt động đầy đủ và dẫn đến thiếu máu. Khi suy thận giai đoạn từ 3 trở lên người bệnh đã phải truyền máu.

Ngoài ra còn một số bệnh liên quan đến các tế bào máu đó là bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, thiếu máu huyết tán (thalassemia), bệnh đa hồng cầu, bệnh kahler…

Nhóm bệnh thứ hai cần phải truyền máu đó là thiếu các thành phần hòa tan trong máu. Mà chủ yếu nhất đó là các yếu tố gây đông. Thiếu các yếu tố gây đông, cơ thể bị chảy máu liên tục. Điều nguy hại ở đây không phải là người bệnh thiếu máu và người bệnh bị chảy máu trong và có thể chết nếu như không được truyền máu. Người ta hay nhắc đến nhóm bệnh này như bệnh ưa chảy máu (hemophilia).

Dù là bệnh của tế bào hay của thành phần hòa tan thì chúng đều có chung một điểm đó là người bệnh không có khả năng tự tổng hợp máu theo đúng nghĩa cho mình. Họ hoàn toàn phải sống phụ thuộc vào máu bên ngoài, đó là máu nhân đạo. Chấm dứt truyền máu, người bệnh chấm dứt sự sống ngay lập tức.

Tại sao cần hiến máu?

Câu trả lời nằm ở ba khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, do nhu cầu điều trị hoặc nói rõ ra là do tính mạng bệnh nhân rất rất phụ thuộc vào loại máu này. Máu nhân đạo từ bạn là máu hoàn hảo theo đúng nghĩa, chúng có đủ các thành phần tế bào và hòa tan ở một công thức hoàn hảo với một chức năng hoàn hảo không thể hoàn hảo hơn. Chúng giúp bù đắp vào phần cơ thể người bệnh bị khuyết thiếu. Không có máu của bạn, họ không thể sống được, dù họ là ai, trẻ em, vị thành niên hay người đã trưởng thành.

Khía cạnh thứ hai đó là sự hạn chế khoa học. Hiện nay người ta đã tạo ra nhiều dòng tế bào mới theo kiểu bán nhân tạo, tức là nhân bản từ một tế bào ban đầu. Nhưng sức mạnh khoa học hiện nay chưa thể nhân bản máu. Tức là chưa thể tạo ra các tế bào máu như ý muốn cũng như các thành phần ngoài cơ thể sinh học tự nhiên như chính bạn và người bệnh. Cho nên cần thiết phải lấy máu từ chính người sống.

Khía cạnh thứ 3 đó là chúng ta liên tục lâm vào tình trạng khan hiếm máu mặc dù số người hiến máu ngày một đông và vẫn đang tăng theo từng năm. Mỗi năm ước tính trung bình chúng ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu mỗi năm. Thực tế cho thấy trải qua các chương trình vận động, lượng máu nhận được chỉ khoảng 30%, quá thấp so với nhu cầu thực tế. Ví dụ như năm 2011, tại Bệnh viện huyết học truyền máu trung ương, đơn vị cung ứng máu lớn nhất cả nước, chúng ta chỉ lấy được 14.350 đơn vị máu. Một con số quá nhỏ. Do đó chúng ta luôn thiếu.

Vì thế, sự chung tay giúp sức của các bạn đã góp phần cứu thêm một mạng người. Tính trung bình, một lần hiến máu của bạn đã giúp cho một người bệnh được sống thêm chừng 3 tháng. Nó đặc biệt có ý nghĩa với các em bé sinh ra là phải truyền máu. Bạn đã giúp các em có cơ hội thấy được những thứ bình thường mà bạn có: sống, chơi, nhìn, chạy nhảy, học tập và làm các việc có ích.

Đi hiến máu 1 lần chừng 1h đồng hồ đem lại sự sống 3 tháng cho một người, có thể nói, không có hành động nào nhân đạo hơn hành động này.