Có mấy kiểu đái tháo đường?
Bệnh đái tháo đường là bệnh trong đó nồng độ đường trong máu luôn ở ngưỡng cao do cơ thể không sử dụng được.
Bình thường khi chúng ta ăn đường và các hợp chất tương tự, đường sẽ được chuyển hóa biến thành năng lượng sống. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà cơ thể không sử dụng được nguồn năng lượng tự nhiên này. Cơ thể buộc phải chuyển hóa theo các con đường khác ngoài đường. Sự thay đổi chuyển hóa và dư thừa đường trong máu là nguyên nhân sâu xa gây ra tất cả các diễn biến bệnh lý của người bệnh.
Trong chế độ ăn của người đái tháo đường cũng nên sử dụng nhiều thực phẩm thô, xơ và ngũ cốc toàn phần. Ảnh minh họa |
Có hai loại đái tháo đường cơ bản là đái tháo đường do thiếu insulin, một hormon duy nhất làm giảm đường máu, được gọi là đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường do kháng insulin được gọi là đái tháo đường typ 2. Ngoài ra còn một số loại đái tháo đường khác như đái tháo đường thai kỳ song đó không phải là các loại đái tháo đường hay gặp.
Bệnh nguy hiểm vì nó không gây ra các biểu hiện hệ lụy ngay lập tức mà hủy hoại dần cơ thể từ bên trong đến mức không thể hồi phục được. Tuy nhiên, tin rất vui đó là bệnh hoàn toàn có thể phòng được bằng ăn uống và luyện tập, những biện pháp không mất tiền nhưng hiệu quả lại cao.
Phòng bệnh đơn giản từ ăn và tập
Tại sao ăn uống đúng cách và tập luyện đều đặn lại có thể phòng được bệnh? Đó là vì ăn uống đúng cách và tập luyện hợp lý giúp kích thích sự chuyển hóa, giảm nguy cơ kháng insulin, hoạt hóa hệ tim mạch, giảm mức độ biến chứng, giảm béo phì, giảm rối loạn chuyển hóa nên giảm được đái tháo đường.
Trong chế độ ăn của người bệnh có nguy cơ cao bị đái tháo đường, chúng tôi mạnh mẽ khuyên sử dụng các thực phẩm ít ngọt, các cách chế biến ít ngọt vì như thế chúng ta sẽ giảm tải lượng đường trong máu.
Đường đưa vào cơ thể quá nhiều ở các đối tượng có nguy cơ cao như béo phì, rối loạn chuyển hóa dễ gây ra kháng insulin. Giảm tối đa ăn kẹo bánh, uống nước đường, chế biến thực phẩm cho đường là cách để giảm nguy cơ này.
Trong chế độ ăn của người đái tháo đường cũng nên sử dụng nhiều thực phẩm thô, xơ và ngũ cốc toàn phần. Chúng tôi khuyên sử dụng thực phẩm có nhiều xơ là vì chất xơ nhiều trong ruột có tác dụng kích thích tụy hoạt động, giảm nguy cơ thiếu insulin. Mặt khác, chúng tôi cũng khuyên sử dụng thực phẩm thô và ngũ cốc toàn phần vì những thực phẩm này có chứa một lớp vỏ xơ bên ngoài. Để phân cắt thành được thành từng phân tử đường nhỏ thì cần mất một thời gian. Do đó mà lượng đường trong máu không tăng vọt lên ngay như các thực phẩm tinh. Tạo ra hiệu ứng tương tự như ăn chia nhỏ nhiều bữa vậy. Năng lượng vẫn cung cấp đủ mà đường lại không bị vượt quá giới hạn.
Trong chế độ ăn phòng bệnh, bạn cũng nên chú ý loại bỏ các chất béo no, bão hòa ra khỏi chế độ ăn. Chúng tôi nhấn mạnh tới việc loại bỏ là vì hai lý do. Thứ nhất mỡ no và bão hòa gây ra sự tích tụ mạnh mẽ cholesterol, chúng cũng là nguyên nhân tích tụ các mảng mỡ ở thành mạch sớm làm suy giảm chức năng các cơ quan trong đó có tụy. Nó hoàn toàn không có lợi trong phòng bệnh. Thứ hai, sự loại bỏ mỡ bão hòa ở đây thực ra không thể đạt đến 100%. Vì chúng còn tồn tại nhất định trong thịt, trứng. Lượng mỡ này đủ để chúng thực hiện các chức năng trong cơ thể. Do vậy tránh mỡ bão hòa là điều rất nên làm. Thay vào đó là sử dụng mỡ chưa bão hòa. Mỡ bão hòa là mỡ động vật còn mỡ chưa bão hòa là mỡ nằm trong thực vật như dầu vừng, dầu đậu nành, dầu mè, dầu oliu, mỡ cá.
Tích cực sử dụng rau, củ, quả là một phương thức không thể hợp lý hơn trong chiến lược phòng và trị bệnh. Rau củ quả càng sặc sỡ màu càng tốt. Ví dụ đã xanh thì phải xanh đậm, đã đỏ thì phải đỏ au, đã vàng thì phải vàng rực.
Rau củ quả có công dụng phòng bệnh tốt là vì chúng có nhiều chất xơ có tác dụng kích thích tụy hoạt động. Mặc khác rau củ quả vô cùng giàu vitamin và khoáng chất giúp điều hòa hệ thống trong cơ thể.
Bên cạnh đó sự sặc sỡ màu của rau củ quả còn có tác dụng chống oxy hóa, khử gốc tự do thừa nên chống lại các bệnh rối loạn chuyển hóa trong đó có đái tháo đường. Màu càng sặc sỡ thì công dụng càng mạnh.
Sẽ là không đầy đủ nếu như chúng ta bỏ đi một nửa của chiến lược phòng bệnh. Một nửa đó là dành cho vận động. Chúng ta cần vận động. Vận động kích thích chuyển hóa, vận động kích thích tiêu thụ đường, vận động lại chống vữa xơ động mạch, bệnh được coi là có họ gần với đái tháo đường.
Vận động kích thích chuyển hóa, vận động kích thích tiêu thụ đường, vận động lại chống vữa xơ động mạch, bệnh được coi là có họ gần với đái tháo đường. Ảnh minh họa |
Vận động như nào cho hợp lý? Câu trả lời đó là vận động đủ liều, đủ lượng, chia nhỏ và phù hợp theo lứa tuổi. Bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn muốn miễn là làm cho cơ thể bạn “ngọ ngoạy”. Đủ liều có nghĩa là đủ mức nặng làm cho lưu chuyển tuần hoàn. Đủ lượng có nghĩa là đủ lượng thời gian cần thiết để có tác dụng với cơ thể. Chia nhỏ tức là tiến hành nhiều lần trong ngày và theo lứa tuổi tức là chọn loại hình rèn luyện mà cơ thể có chịu đựng được hay là có thể tải được. Thường thì đơn giản nhất là bạn có thể đi bộ, tập dưỡng sinh. Người trẻ tuổi hơn có thể chạy, đi nhanh, bơi, chơi cầu lông, bóng chuyền, đạp xe.
Một lần tập tối thiểu phải 15 phút và nếu có thể tập một ngày 2 lần thì rất tốt. Nếu không bạn chỉ cần tranh thủ đi bộ những lúc có cơ hội như đi bộ đi chợ thay vì lên xe ô tô và ngồi đấy. Bằng cách này bạn có thể kéo dài tuổi thọ thêm so với người chỉ thích điều hòa, chạy xe và ăn toàn đồ ăn động vật.
Anh Khuê