Bộ NNPTNT nhận định, dịch năm nay trái quy luật mọi năm khi xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc thay vì ở khu vực miền núi như mọi năm.
Mỗi ngày tiêu hủy hàng trăm con lợn
Chúng tôi về huyện Trực Ninh (Nam Định) vào thời điểm lúa đang phát triển xanh tốt. Thế nhưng, thay vì niềm vui, cả huyện giờ lại chìm vào không khí u ám, đi đến đâu cũng thấy màu vôi bột trắng xóa rải khắp đường làng, ngõ xóm. Vào nhà nào cũng thấy sự buồn bã, lo lắng...
Ông Chu Chai ở xã Trực Nội than thở: “Nhà tôi nuôi 10 con lợn sắp được xuất bán rồi, những tưởng sẽ có chút tiền để đóng học cho các cháu, nay lợn chết cả, rồi đây không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ gần 20 triệu đồng tiền cám cho đại lý...”.
Chốt kiểm dịch dã chiến ở xã Trực Phú, Nam Trực (Nam Định). |
Theo ông Tô Đình Thức - Chủ tịch UBND xã Trực Nội, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ lấy nuôi lợn làm nghề chính, nên đợt dịch này ảnh hưởng rất nặng nề đến cuộc sống người dân. Do đó, kể từ khi xảy ra dịch, xã đã khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan và nghiêm cấm tuyệt đối việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn trong địa bàn xã.
Theo ông Ninh Văn Hiểu - Chi cục trưởng Thú y tỉnh Nam Định, tình hình DTX trên đàn lợn tại Nam Định đang diễn biến khá phức tạp. Tính đến hết ngày 15.4, dịch đã xảy ra ở 1.406 hộ chăn nuôi trên địa bàn 146 thôn, xóm của 17 xã thuộc hai huyện Xuân Trường, Trực Ninh, với khoảng 11.000 con lợn bị ốm. Một số xã nằm trong vùng dịch như xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường; các xã Trực Thắng, Trực Đại, Trực Thuận thuộc huyện Trực Ninh, mỗi ngày phải tiêu hủy hàng trăm con lợn bệnh. Đến thời điểm này, số lợn bị chết và tiêu hủy đã lên đến 3.500 con.
Lan rộng ra nhiều tỉnh
Sau Nam Định, đến lượt các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh cũng phát hiện hàng trăm con lợn bị DTX. Tại Thái Bình, theo Chi cục Thú y, DTX đã bùng phát tại xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư) và xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương), làm 195 con lợn mắc bệnh, trong đó số phải tiêu hủy là 40 con. Hiện tỉnh Thái Bình đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn, nhất là tại các bến đò, bến phá và áp dụng lệnh cấm vận chuyển lợn từ tỉnh khác vào địa bàn.
Còn tại Bắc Ninh, từ ngày 10.4, tỉnh phát hiện ổ DTX ở 27 hộ tại thôn Cả Đông Côi, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành. Ngay khi phát hiện dịch, Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh đã tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh.
Ông Nguyễn Nhân Lừng - Chi cục trưởng cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới dịch bùng phát vẫn là do người dân chủ quan, bởi DTX đã xuất hiện ở đây từ những năm trước, song việc chăn nuôi của người dân vẫn ở trong khu dân cư và việc vệ sinh phòng dịch còn lơ là, chưa đảm bảo sinh học và vệ sinh tiêu độc thường xuyên nên dẫn tới việc dịch tái phát.
Ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Vệ sinh dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NNPTNT) nhận định, DTX năm nay có điểm khác là thay vì xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc như mọi năm, thì lại xảy ra ở các tỉnh miền Trung và hiện đang lây lan trên diện rộng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ chăn nuôi chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc và tình trạng buông lỏng quản lý của các địa phương trong giết mổ gia súc trên địa bàn.
Do đó, theo ông Kỳ, công tác phòng chống dịch cần quyết liệt hơn nữa, quan trọng là phải phát hiện, báo cáo kịp thời, phản ứng nhanh đối với các ổ dịch; có biện pháp quyết liệt ngăn chặn việc vận chuyển gia súc từ vùng dịch ra ngoài; đặc biệt tuyệt đối không được để bà con bán chạy lợn bệnh ra bên ngoài.
Hồng Châu- Văn Ngọc