Dân Việt

ĐBSCL: Ớt, đậu phộng mất mùa, mất giá

23/04/2012 16:41 GMT+7
(Dân Việt) - Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào vụ thu hoạch đậu phộng, ớt phải chịu cảnh thua lỗ vì mất mùa, rớt giá.

Mất mùa, mất giá

Vùng chuyên canh đậu phộng từ lâu đời của tỉnh Trà Vinh với diện tích hơn 4.000ha tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, TP.Trà Vinh… năm nay thất thu do vừa mất mùa, mất giá. Trong đó, huyện Cầu Ngang có diện tích trồng cây đậu phộng lớn nhất với hơn 2.700ha. Năm nay hầu hết các vùng trồng đậu phộng năng suất giảm khoảng 30% do thời tiết không thuận lợi.

img
Chủ vựa ớt cũng gặp nhiều khó khăn khi thị trường xuất khẩu bấp bênh.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Nam - ở xã Mỹ Long Bắc, cho biết: “Gia đình tui trồng 1ha đậu phộng tốn hơn 50 triệu đồng, nhưng làm suốt 100 ngày thu hoạch chẳng lời đồng nào mà còn lỗ vốn. Nguyên nhân do năm nay thị trường khá bấp bênh, con rầy xanh tấn công làm giảm năng suất…”.

Ông Trang Tấn Triều - Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Năm nay, năng suất đậu phộng chỉ 7 tấn/ha, giảm 3 tấn/ha so với cùng kỳ. Giá trong thời gian gần đây liên tục giảm, chỉ còn 7.500 đồng - 8.000 đồng/kg.”.

Theo ông Triều, đậu phộng năm nay mất mùa do thời tiết không thuận lợi và giá cả giảm là do xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường trong nước cũng tiêu thụ chậm…

Tại tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.000ha ớt, trong đó trồng nhiều nhất là huyện Thanh Bình với hơn 900ha. So với năm 2010, diện tích trồng ớt của huyện Thanh Bình đã tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, giá ớt chỉ còn ¼ so với năm rồi. Gia đình ông Nguyễn Thành Tiễn - ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình thuê 4 công đất trồng ớt bị thua lỗ nặng.

Ông Tiễn cho biết: “Năm rồi, giá ớt từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, còn năm nay giảm xuống còn 12.000 - 14.000 đồng/kg nên nông dân thuê đất trồng ớt như tôi bị thua lỗ nặng”. Theo ông Tiễn, chi phí đầu tư cho 1 công ớt khoảng 22 triệu đồng, nhưng thu hoạch chỉ được khoảng 2,5 tấn. Trong khi nông dân phải thuê đất thì cầm chắc lỗ 2 - 4 triệu đồng/công.

Do cung vượt cầu?

Ông Trần Văn Dương - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Nguyên nhân là diện tích đậu phộng tăng dẫn đến cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu bấp bênh dẫn đến rớt giá”. Thông tin từ Sở Công Thương Đồng Tháp cũng khẳng định nguyên nhân ớt rớt giá là do diện tích ở các địa phương tăng nên cung vượt cầu. Vì vậy, khi thương nhân Trung Quốc hạn chế thu mua dẫn đến giá giảm.

Ở các địa phương khác của huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) như xã Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn… cũng trong tình cảnh tương tự. Nhiều nông dân không có đất đi thuê đất trồng đậu phộng coi như thua lỗ nặng.

Chị Lê Thị Ngân Tâm - chủ vựa ớt Nương cho rằng: “Nông dân rất khó kỳ vọng giá ớt đạt mức tương đương cùng thời điểm năm rồi, do năm nay ở Đồng Tháp và một số tỉnh khác cũng đã tăng diện tích trồng ớt dẫn đến cung vượt cầu. Đồng thời, chỉ xuất sang Trung Quốc, do đó thị trường rất bấp bênh”.

Còn ông Lê Đặng Còn – chủ cơ sở thu mua ớt Nhờ ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cho rằng: Trước kia trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh thu mua 15 tấn ớt tươi xuất khẩu, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 10 tấn và phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Khi phía Trung Quốc không “ăn hàng” thì chắc chắn ớt sẽ rớt giá. Trong khi diện tích trồng ớt tăng trong thời gian qua nên cung đã vượt cầu.