Các tiết mục tái hiện lịch sử qua các màn diễn từ vui chơi, múa hát, học hành, thi cử, làm nông, canh cửi... khá hoành tráng nhưng nhạt, không mấy hấp dẫn vì cách thể hiện nghèo nàn cũ kỹ. Nhưng đó là câu chuyện khác.
Điều mà tôi muốn nói trong đêm “Thiên hạ thái bình” này là điểm nhấn bất ngờ từ hình ảnh 2 ngư ông diễn trước sân khấu. Hai ngư phủ đứng đầu thuyền mỗi người mỗi chài. Theo nhịp diễn trên sân khấu, 2 ông chài cứ phút phút lại một lần quăng chài rồi gò lưng kéo. Cả buổi diễn có đến mấy chục lần quăng chài mà cả hai không một lần vướng được con tép nào. Lần nào chài kéo lên cũng chỉ gom được rác rưởi từ lòng sông.
Ngồi xem bất giác thấy chạnh lòng nghĩ đến thân phận người lao động trong giai đoạn hiện nay kiếm miếng ăn sao khó thế, công sức bỏ ra nhưng thu về chẳng là bao, thậm chí chẳng thu được gì như 2 ông thuyền chài nọ.
Bất giác lại nhớ đến trên 300 hộ dân vạn chài di cư từ Hương Giang lên bờ tưởng đổi đời nhưng bây giờ cuộc sống lại đang khốn khổ chẳng kém kiếp lênh đênh năm xưa. Nhà cửa dự án làm cho chưa ở đã hỏng và được giải thích trắng phớ do tiền ít quá, bây giờ sống trong những căn nhà mục nát đó không tiền sửa và chính quyền cũng chưa có biện pháp nào khả thi. Vậy mà người ta lại sẵn sàng bỏ ra 4 tỷ đồng cho những dây đèn dầu xếp dài dài thắp suốt lớp ngoài lớp trong hoàng thành và dọc đường ở mấy đêm hội... festival.
Tự nhiên câu chuyện "Thiên hạ thái bình" trở thành chuyện tự sướng của ban tổ chức mà không phải là hiện hữu cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, tác phẩm nghệ thuật diễn sân khấu là chuyện khác, còn sân khấu hóa cuộc sống thì phải là những nét tương đồng với cuộc sống. Mà nét thật trong cuộc sống có được thế đâu, sao cứ diễn hồ hởi, sung sướng đầy ắp? Với ai am hiểu, tự nhiên nó trở thành thứ dối trá lộ liễu làm sao đi vào được lòng người. Như thế đương nhiên đồng nghĩa với thất bại.
Bởi thế rời Festival Huế mà lòng thấy buồn...
Đỗ Đức