Chí trai thời chiến
Cuối năm, gió từ lòng hồ Thủy điện Hòa Bình phả vào mặt buốt như châm kim. Người đàn ông vạn chài nhiệt tình đưa tôi ngược sông Đà ra núi Tháu. Gọi là núi Tháu, nhưng đây thực ra là một ốc đảo nhỏ, nằm lẻ loi giữa hồ sông Đà và để đi ra được chốn này cách chỉ duy nhất là vượt 2km bằng thuyền độc mộc. Giữa thăm thẳm nước và những tảng đá tai mèo lởm chởm dựng ngược lên trời, phải bám tay thật chắc, tôi mới bò lên đến ngôi nhà của Lương Minh Giang.
Anh Giang và đứa con nhỏ bên hồ cá - thành quả lao động trong cả nghìn ngày cai nghiện. |
“Tuổi Đinh Dậu 1957, người ta bảo tuổi này có tài, làm ra nhiều tiền lắm của nhưng khó giữ...” - Chiêu một chén rượu trắng, Lương Minh Giang mở đầu câu chuyện như vậy, khi anh kể rằng một thầy cúng ở Sơn La đã từng nói về anh thời anh còn lang thang sông nước cách đây hơn 20 năm.
Sinh ra trong một gia đình công chức tại TP.Hòa Bình, bố anh Giang trước là Chánh án TAND thành phố, mẹ làm ở bệnh viện tỉnh. So với bạn bè trang lứa thời ấy, Giang bảo nhà anh thuộc thành phần cơ bản, không giàu có nhưng cũng không phải nghĩ nhiều đến cái ăn cái mặc. Và Giang đã không phụ công ơn cha mẹ khi suốt 9 năm liền đều là học sinh giỏi, thậm chí có năm là học sinh giỏi của toàn miền Bắc. Một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đợi anh ở phía trước.
Anh tâm sự: "Nếu chiến tranh không đi đến hồi quyết liệt như vậy, nếu khí thế của toàn miền Bắc không hừng hực như những ngày đầu năm 1975 thì có lẽ tôi sẽ theo học đại học hoặc làm một công việc gì đó. Nhưng có sống ở những tháng ngày ấy mới hiểu, cái chí của một thằng đàn ông muốn ôm súng lên đường giải phóng đất nước nó thấm vào máu của tất cả lũ con trai...”.
Và rồi từ giã những ngày học cuối cấp, Lương Văn Giang lên đường vào Nam trong hào khí hừng hực của cả dân tộc những ngày đầu năm 1975. Mặc áo lính chỉ hơn 5 năm thôi nhưng Giang có cơ hội được tham dự vào 3 sự kiện lớn của dân tộc trong giai đoạn ấy. Giải phóng Sài Gòn xong, chưa kịp nghỉ ngơi, anh và đồng đội đã nhận nhiệm vụ sang chiến trường K khu vực biên giới Tây Nam. 4 tháng sau, đơn vị lại ngược ra Bắc lên vùng Võ Nhai (Thái Nguyên) để chuẩn bị cho công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc. Anh làm nhiệm vụ trinh sát cho bộ đội công binh. Tất cả những khu vực ở Cao Bằng, Lạng Sơn, những tuyến đường 61, 62, 63, 64… đều đã in dấu chân của Giang.
Thủy bạc tung hoành
"Năm 1980, tôi ra quân và phía trước là kế hoạch đi học nước ngoài mà bố tôi đã sắp đặt sẵn, nhưng không hiểu sao, ước muốn được ngao du sơn thủy trong những tháng năm lửa đạn lại ùa về. Ông cụ nhà tôi đã gần như ngất xỉu khi nghe tin tôi từ chối du học và sẽ ngược lên chốn rừng xanh núi đỏ để… đi buôn". Nhấp một chút rượu, anh Giang lặng lẽ nói bằng những lời nhẹ như gió thoảng. Anh bảo đó là một dấu mốc, một bước ngoặt đánh dấu cho một giai đoạn đầy hãi hùng mà đôi khi giật mình tỉnh giấc trong đêm, anh đều sửng sốt như không tin đó là sự thật. Thậm chí, đó là chuỗi những tháng ngày của quá khứ mà anh muốn quên.
Sông Đà của những ngày đầu năm 1980 đã được Nguyễn Tuân nói kỹ trong bài ký "Người lái đò sông Đà" nổi tiếng, là con sông nguy hiểm và hung dữ nhất Việt Nam thời điểm đó. Hành trình 170 thác, 130 ghềnh dọc sông Đà đã in dấu chân Lương Minh Giang không biết bao nhiêu lần. Một mình một bè, chơ vơ giữa trời nước, đánh đu với chính mạng sống của mình, Lương Minh Giang đã trở thành một tay anh chị vùng sông nước với những bè gỗ từ vùng thượng du Mường Tè (Lai Châu), Phù Yên (Sơn La) về tới bến Trung Hà (Hà Tây cũ). Có những con dốc, con thác, nếu chỉ chậm một nhịp chèo thôi là bản thân Giang đã phải xuống thăm Hà Bá. Có những chuyến hàng nếu không "rắn" mặt, không liều lĩnh thì đã bị các đối tượng bản địa "xử đẹp".
Không còn cầm bút như khi là cậu học trò ngồi trên ghế nhà trường, không còn cầm súng như khi thực hiện khát vọng bảo vệ quê hương, cuộc đời của gã giang hồ họ Lương giờ đây gắn liền với búa rìu, dao kiếm. Ngay cả khi ngủ, Giang cũng chỉ khép hờ 2 mí mắt để chỉ một tiếng động nhẹ như tiếng lá rơi nghiêng là gã cũng kịp tỉnh giấc để nắm chặt chuôi dao sẵn sàng tử thủ với những kẻ cướp hàng. Dân đi bè dọc sông Đà thời ấy vẫn thường nói rằng: "Qua hòn Mật (mạng sống) mới thật là của ta, qua Ba Ta mới làm nhà mà ở, qua mỏ quạ Xi Nhom mới làm hòm mà đựng bạc". Sự nguy hiểm trong công việc cũng tỷ lệ với lợi nhuận. Chặng đường càng khó khăn, nhiều cửa tử thì lợi nhuận thu được càng nhiều, càng đủ để đốt cháy lòng tham vô đáy của những kẻ như Giang.
Bài 2: Bò mòn núi để cai nghiện
Nguyễn Chiến