Dân Việt

Công dân gửi thư đề nghị cấm ô tô cá nhân vào trung tâm

23/04/2012 12:29 GMT+7
Một công dân vừa gửi thư đề nghị Chính phủ cấm ô tô cá nhân lưu thông trong nội đô 5 giờ trong 1 ngày và 5 ngày trong 1 tuần. Văn phòng Chính phủ đã chuyển thư tới TP Hà Nội và HCM để “nghiên cứu và trả lời”.

Hạn chế xe máy là không thỏa đáng

Trong thư gửi Chính phủ, ông Mai Trọng Tuấn (một công dân có địa chỉ ở TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 2.2, ông có gửi đề xuất nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông lên Chính phủ, Bộ GTVT và lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với nội dung chính “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm TP”.

img
Ông Mai Trọng Tuấn cho rằng nên hạn chế ô tô cá nhân trước xe máy

Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng phương án đó nếu muốn làm được phải có thời gian chuẩn bị vài năm, phải có sự đồng thuận xã hội. Do đó, để có bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa phương án trên ông Tuấn đưa ra giải pháp 5x5. Cụ thể, thực hiện 5 giờ trong 1 ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong 1 tuần (từ thứ 2 đến thứ 6) không cho xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm TP.

Số liệu thống kế mới nhất cho thấy, đến tháng 2.2012, Hà Nội có hơn 4,871 triệu xe ô tô, mô tô, trong đó có hơn 446 nghìn ô tô. Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 7-8% trong khu vực đô thị (quy hoạch 20-25%).

Lý giải cho việc chọn cấm ô tô thay cấm xe máy, ông Mai Trọng Tuấn nhận định, trong thời điểm này, nếu cấm xe máy là đánh thẳng vào đời sống trên 95% người dân lao động hiện đang sống và làm việc tại khu vực trung tâm TP, bởi phần lớn họ là những người hàng ngày vẫn lưu thông bằng xe máy, kể cả đi xe ôm. Vì thế, việc cấm xe máy sẽ khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, gia đình thêm khó khăn... nên việc cấm xe máy thời điểm hiện tại là không thỏa đáng.

Ông Mai Trọng Tuấn cũng cho rằng, khác với các nước phát triển, xe ô tô cá nhân là phương tiện đi lại chủ yếu, ở Việt Nam, việc sở hữu xe ô tô cá nhân bắt đầu có khoảng 10 năm trở lại đây. Theo khảo sát của bản thân ông, số lượng những người có xe ô tô cá nhân chỉ chiếm 2 đến 3% người dân lao động.

Thực tế những hộ gia đình có xe ô tô cá nhân cũng thường có xe máy, thậm chí là xe máy loại “xịn”. Ông phân tích rằng, những người vốn trước đây vẫn đi xe máy, gần đây mới “đổi đời, lên đời” nếu có phải hy sinh một chút thói quen vốn chưa ăn sâu, bám rễ để nhường cho xe máy, thì “chắc chắn số ít này sẽ vui lòng”.

Ô tô phải nhường đường cho xe máy

Tiếp tục phân tích, tác giả nhấn mạnh việc ô tô chiếm dụng đường lớn hơn xe máy rất nhiều. Đưa ra các số liệu thống kê tại TP Hồ Chí Minh, tính đến 31.1.2012, xe hơi các loại là gần 500 nghìn chiếc (trong đó, có 11 nghìn taxi, bằng 2,2%) và xe máy có trên 5 triệu chiếc. Mặc dù số xe ô tô chỉ bằng khoảng 10% số xe máy nhưng lại chiếm diện tích mặt đường khi lưu thông là 55%, chiếm chỗ đỗ 65%.

Rất nhiều vụ ùn tắc, rối loạn giao thông thường do 4, 5 ô tô đối đầu nhau nằm giữa giao điểm dẫn tới tất cả các hướng đều kẹt cứng và rối loạn. Tác giả của đề xuất này cho rằng nếu lãnh đạo TP chấp thuận phương án thì có thể triển khai được ngay sau khi quy định và ấn định thời gian cụ thể yêu cầu người dân thực hiện. Ông ước tính, thực hiện giải pháp 5x5 chắc chắn chỉ trong 1 tuần lễ là đã có thể kết luận được hiệu quả hay không.

Sau khi nhận được đề xuất nói trên, ngày 11.4, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển thư của ông Mai Trọng Tuấn tới Hà Nội và TP Hồ Chí Minh “để nghiên cứu và trả lời ông Mai Trọng Tuấn”.

Ngày 19.4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi tiếp tục giao Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND TP trước ngày 15.5.

Theo An ninh Thủ đô