Ông Trần Quý Tường, Cục phó Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nếu các địa phương xử lý được thì để địa phương tự giải quyết. Còn nếu không thể đưa ra kết luận thỏa đáng thì Bộ sẽ thành lập hội đồng chuyên môn thẩm định và đưa ra kết luận.
Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cũng đã điện yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế 3 tỉnh gửi báo cáo sớm nhất. Dự kiến trong 1 - 2 ngày tới sẽ có kết quả giám định pháp y.
Trường hợp thứ nhất là chị Hương, 23 tuổi, ở Quảng Ngãi. Đêm ngày 18.4, chị được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng vỡ ối, có dấu hiệu chuyển dạ khi đó thai mới được 37 tuần. Đến trưa ngày 19.4, chị có biểu khó thở, được chuyển vào phòng mổ đẻ. Tuy nhiên đến sáng hôm sau thì chị tử vong, bé trai chào đời đang trong tình trạng nguy kịch.
Thai phụ Hạnh, ở Hưng Yên, tử vong sau sinh hôm 20.4 tại bệnh viện đa khoa tỉnh |
Cùng ngày, sản phụ Hạnh, 31 tuổi, ở Hưng Yên tử vong sau khi sinh bé trai nặng 4kg tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, và bé cũng qua đời ngay sau đó.
Còn tại Bắc Ninh là trường hợp sản phụ Loan, 34 tuổi. Khoảng 8h sáng ngày 20.4, chị được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc khi có biểu hiện sắp sinh. Đến 0h30 sáng 21.4, chị có hiện tượng tím tái hết người, sùi bọt mép và được chuyển đi cấp cứu. Tuy nhiên sau khoảng hơn 30 phút sau thì cả hai mẹ con chị Loan đều tử vong.
Trong cả 3 trường hợp trên, gia đình các sản phụ đều đề nghị bác sĩ mổ đẻ vì thấy sức khỏe người nhà yếu. Tuy nhiên, cả 3 đều bị từ chối với lý do "thai phụ khỏe, đẻ lúc nào cũng được", "có thể đẻ thường".
Về trường hợp hai mẹ con sản phụ Hạnh tử vong ở Hưng Yên, một bác sĩ làm công tác lâu năm trong ngành sản khoa cho rằng có thể có sai sót về chuyên môn. Theo vị bác sĩ này, những trường hợp thai phụ mang thai quá to (từ 4kg trở lên) nên có chỉ định mổ.
Lý do là vì nếu để đẻ thường, thai nhi quá to dễ bị ngạt trong quá trình sinh dẫn tới nguy cơ tử vong. Còn với người mẹ, thai to nếu cố đẻ thường sẽ dẫn tới nguy cơ bị vỡ tử cung, kiệt sức, mất máu nhiều nếu không cấp cứu kịp cũng dễ tử vong.