Trên đường đưa chúng tôi về thôn Lựu Bảo, ông Hồ Văn Hóa - Chủ tịch Hội ND phường Hương Hồ giới thiệu: "Đường làng ngõ xóm đều được bê tông hoá. Nhà kiên cố san sát mọc lên, tiện nghi đầy đủ, con trẻ được học hành đến nơi, đến chốn... đều nhờ nghề làm bánh tráng truyền thống của ông cha".
Bà Nguyễn Thị Tồn có kinh nghiệm hơn 50 năm làm bánh tráng. |
Bánh tráng đắt hàng
Thôn Lựu Bảo có trên 50 hộ làm bánh tráng. Chị Nguyễn Thị Liên, thôn Lựu Bảo cho biết: "Gia đình tôi đã 3 đời làm bánh tráng. So với các nghề khác thì thu nhập không cao, nhưng quay vòng vốn nhanh, thu nhập ổn định".
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tồn lúc bà đang thoăn thoắt múc bột, tráng bánh. Bà Tồn kể: “Tôi làm bánh tráng đến nay đã 50 năm. Nhờ làm bánh tráng mà tôi nuôi 6 con ăn học đến nơi đến chốn, đứa nhỏ nhất đã là thạc sĩ". Bà Tồn bảo, bà đã lớn tuổi nên mỗi ngày chỉ tráng 25 - 30kg bánh, trừ chi phí lời khoảng 100.000 đồng. Phần lớn các công đoạn đều làm thủ công (chỉ xay bột bằng máy). Làm ra bao nhiêu bánh, thương lái đến lấy hết. Cuộc sống của gia đình cũng tạm ổn.
Trong số hơn 50 hộ làm bánh tráng ở thôn Lựu Bảo nhiều hộ gắn bó với nghề đã 40-50 năm. Theo những người trong nghề, làm bánh tráng không khó và không mất nhiều thời gian, thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Làng mộc khẳng định thương hiệu
Đến thăm xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Hồng, thôn Long Hồ Hạ, phường Hương Hồ chúng tôi nghe thấy tiếng máy bào, máy đục, máy cưa phát ra rất rộn ràng. Anh Hồng đã có hơn 20 năm cầm đục, cầm bào.
Anh kể: “Nghề mộc ở Long Hồ Hạ có hàng chục năm nay. Trải qua bao đời cha truyền con nối, những tinh hoa văn hóa, kỹ thuật chế tác cùng với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nghề mộc thôn Long Hồ Hạ đã và đang khẳng định thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm và giúp người dân thoát nghèo, làm giàu”.
Sinh ra trong trong gia đình có truyền thống làm mộc, học xong THPT, anh Hồng nhập ngũ. Năm 1990 anh xuất ngũ. Năm 2000 anh thế chấp sổ đỏ vay Ngân hàng NNPTNT 70 triệu đồng để mua thêm máy cưa, máy đục, máy xoi. Việc nhiều, anh phải thuê thêm 4 thợ. Sản phẩm của xưởng anh là tủ, bàn, ghế, cầu thang, khung cửa, trần nhà... Doanh thu mỗi năm từ 500-700 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Hàng trăm lao động có việc làm
Ông Hóa cho hay, nghề mộc dân dụng và làm bánh tráng đã tạo việc làm cho gần 200 lao động trong phường và nhiều lao động các địa phương khác. Nhiều hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc hiện đại làm nghề mộc. Xã có nhiều đội thợ đi xây dựng các công trình các nơi, khi ký kết hợp đồng xây dựng họ nhận luôn làm các thiết bị đồ gỗ về cho anh em trong thôn.
Ông Hồ Văn Hóa - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Hồ
Hiện, toàn phường Hương Hồ có 150 hộ làm nghề mộc, trong đó, 50 hộ ở thôn Long Hạ, giải quyết việc làm cho 60 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận mỗi hộ 50- 70 triệu đồng/năm.
Ông Hóa cho biết thêm, năm 2011, Hội ND phường Hương Hồ đã phối hợp với các ngành chức năng mở 2 lớp đào tạo nghề mộc với 50 học viên tham gia; năm 2012, Hội sẽ tổ chức 3 lớp đào tạo nghề cho gần 100 học viên.
Thanh Nga