Đọc tin Chính phủ Thái Lan sẽ bỏ ra hơn 8 tỷ đô la để mua gạo dự trữ với giá gấp đôi thị trường, thấy mà ham. Nông dân hoan nghênh bên cạnh một làn sóng phản đối mạnh mẽ không kém từ đảng đối lập trong nước đến nước ngoài. Hạ hồi sẽ phân giải, nhưng vấn đề đáng bình luận là sự năng động trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ Thái cũng như nhiều chính phủ khác.
Trong một xã hội minh bạch, thượng tôn pháp luật, mọi hiện tượng kinh tế cũng như xã hội hay chính trị thường được công khai sớm. Có phân tích, phản biện, đấu tranh với nhau để tìm sự thật ở nghị trường, ở hội thảo trên báo chí... Và chính phủ sẽ có đủ thông tin để xử lý, để đề ra phương án điều hành từng thời điểm.
Cũng giống như chúng ta lái chiếc xe máy vậy, tuy không đơn giản như thế. Chính phủ Thái đã có một phản ứng năng động trước tình hình lương thực thế giới. Thái Lan sẽ rời bỏ vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu nhưng nông dân Thái được một món tăng thu nhập đáng kể.
Nông dân nước ta chiếm khoảng 70% dân số, có vị trí quyết định đến ổn định xã hội. Bộ NNPTNT là cơ quan chức năng hướng dẫn nông dân trong việc sản xuất, làm ăn... Nhưng rõ ràng là nông dân chưa nhận được một sự điều hành năng động, kịp thời. Được mùa thì giá rớt. Mất mùa giá lên, nhưng nông dân lại không có sản phẩm bán. Kiểu gì thì nông dân cũng thiệt. Tình hình đó kéo dài nhiều năm, nhưng chưa thấy bộ chủ quản đưa ra được sự điều chỉnh kịp thời nào.
Nuôi cá tra là nguồn lợi lớn có thể thay đổi nhanh chóng bộ mặt miền Tây Nam Bộ. Nhưng nhiều người nuôi cá sau bao năm nuôi mộng đổi đời đã phá sản, nợ nần chồng chất, phải bỏ đất, “treo” ao. Bộ NNPTNT cũng như chính quyến các cấp trong nhiều năm đã không đưa ra được một giải pháp nào thực sự có hiệu quả để cứu vớt, khích lệ người nuôi cá.
Còn rất nhiều dẫn chứng về sự xơ cứng của điều hành vĩ mô trong nông nghiệp. Cuối cùng chịu thiệt vẫn là nông dân.
Nguyễn Quang Thân