Dân Việt

Bóng đá thế giới: Chống doping cũng chuyên nghiệp

14/09/2012 09:15 GMT+7
(Dân Việt) - Trong khi bóng đá Việt Nam gần như “quên” việc kiểm tra doping và không kiểm soát được cuộc sống hậu trường của các cầu thủ, thì với bóng đá thế giới, tất cả đều có những quy định rõ ràng để bảo đảm tính chuyên nghiệp.

Kiểm tra bất ngờ và không có ngoại lệ

Hiện nay, khi vấn nạn sử dụng chất kích thích để nâng cao thành tích trong thi đấu thể thao ngày càng tinh vi và có mật độ dày hơn, các tổ chức bóng đá hàng đầu đã có những hành động thể hiện sự cương quyết, sẵn sàng loại bỏ bất cứ trường hợp gian lận nào.

Ủy ban Chống doping thế giới đã gây áp lực rất mạnh đến Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) với cái lý: Nếu các ông không thường xuyên cải thiện, nâng cao công tác kiểm tra doping, chúng tôi sẽ đề xuất loại bóng đá khỏi hệ thống các môn thi đấu tại Olympic.

img
Rio Ferdinand từng bị treo giò và phạt tiền rất nặng vì “quên” kiểm tra doping.

Bị “dọa” thế, nhưng UEFA chẳng lo lắng bởi công tác kiểm tra doping của họ đã được áp dụng vô cùng nghiêm túc và chặt chẽ. Điển hình là ở đấu trường Champions League, các đội bóng dự giải sẽ phải thông báo danh sách và nơi ở của từng cầu thủ 8 ngày trước trận đấu để UEFA có thể liên hệ với bất cứ cầu thủ nào vào bất kỳ thời điểm nào để lấy mẫu.

Điểm đáng lưu ý: Cuộc kiểm tra không hề được thông báo trước. Chính vì thế, đội bóng lừng danh Barcelona cũng có lần ngỡ ngàng khi UEFA đột ngột xuất hiện trên sân tập của họ và lấy mẫu của 10 cầu thủ một cách ngẫu nhiên (trong đó có cả Messi). Đã bị gọi mà không cho lấy mẫu với bất cứ lý do nào cũng sẽ bị phạt nặng. 8 năm trước, trung vệ Rio Ferdinand chỉ vì “quên” kiểm tra doping đã bị treo giò 8 tháng và phạt 50.000 bảng.

Tương tự, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) mỗi năm tiến hành 5.000 cuộc kiểm tra doping ở 6 liên đoàn châu lục, còn nếu tính cả 209 liên đoàn thành viên thì có tới 30.000 cuộc kiểm tra/năm. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter khẳng định: “Chi phí cho mỗi cuộc kiểm tra doping từ 500 - 1.000USD, nhưng FIFA quyết tâm mạnh tay với tiêu cực để bảo đảm sự trung thực cho bóng đá”. Mỗi năm, có 0,02 -0,03% số cầu thủ bị phát hiện sử dụng chất cấm.

Vui chơi phải có chừng

Với các CLB bóng đá châu Âu, cầu thủ đương nhiên tự kiểm soát cuộc sống bản thân sau mỗi buổi tập hay trận đấu. Nhưng trong bản hợp đồng của họ luôn có những điều khoản ràng buộc rất rõ ràng như việc phát ngôn bừa bãi làm mất hình ảnh câu lạc bộ sẽ bị phạt bao nhiêu, nếu nhậu nhẹt say xỉn, không bảo đảm thể lực sẽ phải phạt thế nào… Chính vì thế, nhiều “siêu quậy” khi xé rào đi chơi cũng phải giấu kín hoặc coi như chấp nhận sẽ nộp khoản tiền phạt lớn.

Tại EURO 2012, UEFA đã bất ngờ đến sân tập của Hà Lan và Bồ Đào Nha để lấy mẫu kiểm tra doping 10 cầu thủ ngẫu nhiên. Quá trình “làm việc” diễn ra rất nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Hồi tháng 3.2012, hai ngôi sao người Đức Mesut Oezil và Sami Khedira bị phát hiện nhậu nhẹt tưng bừng và ngay lập tức HLV Mourinho (Real Madrid) quyết định phạt nặng bộ đôi này. Hậu vệ Ashley Cole từng bị Chelsea phạt tới 2 tuần lương (300.000 bảng) vì… lăng nhăng tình ái. Tiền vệ Diego cũng từng bị CLB Wolfsburg phạt 500.000 euro vì tự ý bỏ đội đi nhậu nhẹt.

Cầu thủ cũng là con người và họ cần có cuộc sống, có nhu cầu hưởng thụ. Nhưng cầu thủ ở môi trường chuyên nghiệp phải biết kiểm soát hành vi và mức độ ăn chơi của mình. Các câu lạc bộ có tên tuổi rất kỵ việc những ngôi sao của họ dính dáng tới các vụ nhậu nhẹt, ẩu đả, scandal tình ái… Bởi với họ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bôi xấu hình ảnh đội bóng. Và khi đã “bôi xấu” thì đi kèm theo đó là “phạt” chứ khỏi cần giải thích lôi thôi bởi tất cả đều đã được quy định rõ ràng.