Hơn một tuần nay trên địa bàn hai xã Mường Tè và Mường Mô của huyện Mường Tè (Lai Châu), khu vực gần Công trình thủy điện Lai Châu xuất hiện hàng trăm con “chim lạ” lông màu xám, có trọng lượng từ 1,2 kg đến 2,2 kg.
Đàn chim lạ |
Theo xác nhận của các chuyên gia VACNE: Đàn “chim lạ” này thực chất là Cò Nhạn (có nơi gọi là Cò Ốc - vì hay ăn ốc), thuộc họ Hạc, có tên khoa học là Anastomus oscitans. Chúng chỉ có ở các quốc gia khu vực Nam Á và Đông Nam Á, như Ấn Độ, Srilanka, Nepal, Mianma, Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Ở nước ta, cũng chỉ xuất hiện ở một vài nơi (miền Tây Nam bộ và Tây Ninh) với số lượng không nhiều (vài ba đàn, mỗi đàn hơn một trăm cá thể).
Những năm gần đây, số lượng cá thể Cò Nhạn giảm sút rất nhanh, đang tiến dần tới nguy cơ tuyệt chủng, ở bậc R (hiếm) trong Sách đỏ Việt Nam.
Loài cò này khá to (cho nhiều thịt) và tương đối hiền lành, nên dễ bị người dân địa phương săn bắn khi chúng đang kiếm ăn trên đồng ruộng.
Mặc dù chính quyền huyện Mường Tè đã chỉ đạo chính quyền hai xã Mường Tè và Mường Mô cấm người dân nơi đây không được săn bắn, nhưng mấy ngày qua, mỗi ngày vẫn có hàng chục con Cò Nhạn bị người dân nơi đây sát hại để lấy thịt, với lý do “chim dẫm nát lúa”.
Hành vi này đã vi phạm công ước Quốc tế bảo vệ chim di cư, mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Vì thế, VACNE kêu gọi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần nghiêm cấm các hoạt động xâm hại vùng trú ngụ (ngủ, nghỉ), vùng tìm kiếm thức ăn và các hoạt động săn bắn Cò Nhạn dưới bất cứ hình thức nào.