Phong trào này đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của địa phương, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: "Từ năm 2001-2010, cả nước huy động được gần 87.000 tỷ đồng và khoảng 310 triệu ngày công để xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) và đã xây dựng, làm mới được hơn 37.200km đường GTNT; sửa chữa, nâng cấp gần 135.000km đường các loại; làm mới 14.000 cầu bê tông cốt thép để thay thế cầu khỉ, cầu gỗ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền núi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 149 xã chưa có đường ô tô đến xã".
Cũng theo đánh giá của Bộ GTVT, chất lượng thi công các tuyến đường GTNT chưa cao, công tác bảo trì chưa được các địa phương coi trọng, chỉ tập trung xây dựng đường mới nên công trình nhanh hư hỏng... Theo kế hoạch đã được Bộ GTVT đề ra, đến năm 2015, 100% số xã sẽ có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% đường huyện, xã đi lại được quanh năm. Nhựa, bê tông hóa 100% đường huyện, tối thiểu 70% đường xã...
Để đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị các tỉnh, huyện quan tâm huy động vốn, vận động người dân đóng góp và các nguồn tài trợ khác để xây dựng, bảo dưỡng đường giao thông. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách đầu tư cho GTNT, nhất là ưu tiên xây dựng các tuyến đường liên xã, liên thôn. Mục tiêu là đến năm 2030 có 100% đường huyện, xã được nhựa hóa, hoặc bê tông hóa, 100% đường thôn được cứng hóa, ít nhất đạt loại A.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã yêu cầu Bộ GTVT cần tăng cường phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương để lập kế hoạch hàng năm về kinh phí xây dựng GTNT, tìm nguồn tài trợ ODA và gắn với các chương trình của Chính phủ để làm đường GTNT. Đặc biệt, cần khơi dậy tinh thần và sự đóng góp của người dân. Quá trình thực hiện cần tăng cường giám sát của người dân, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... để đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công.
Nam Tùng Sơn