Nguyễn Vĩnh Phú là học sinh giỏi của trường THPT chuyên Bến Tre và là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn tin học. Căn bệnh ung thư máu phát hiện trước kỳ thi tưởng chừng lấy đi tương lai của cậu học trò nghèo, nhưng đó cũng là lúc ý chí kiên cường được vực dậy, và có cả một phong trào tiếp sức cho Phú vượt qua bệnh tật được thầy cô và bạn bè khởi xướng trên thế giới mạng….
Biến cố trước kỳ thi
Vậy là đã hơn năm tháng Phú "sống" trong bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM (cơ sở 2). Đang trong giai đoạn hai của phác đồ điều trị, Phú vừa được vô thuốc. Không nhớ đã bao nhiêu lần hoá trị như thế, cậu học trò 17 tuổi chỉ biết cứ ba tuần thì vô thuốc một lần và mỗi lần như vậy lại cực trần ai với cảm giác bần thần đến không ăn uống được gì kéo dài mấy ngày liền.
Phú đang được ba tiếp sức trong hành trình chống lại căn bệnh ung thư máu. |
Hôm nay cũng vậy, Phú đang được truyền dịch, dinh dưỡng sau khi vô thuốc, nhưng trên khuôn mặt xanh xao ấy nở một nụ cười: "Em đã quen với cảm giác này rồi". Trong căn phòng có bốn giường bệnh, Phú là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất. Nước da ai cũng xanh xám. Phú cho biết: "Tháng đầu vô đây em sụt hơn 7kg, cứ ăn là ói".
Một ngày đầu tháng 10.2012, đang ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi, trong giờ học Phú chợt thấy mệt mỏi và ói không kiểm soát. Thầy cô và bạn bè cùng lúc báo về gia đình, rồi lập tức đưa Phú qua bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Quê ở Giồng Trôm, nhà nghèo nhưng học giỏi nên khi trúng tuyển vào trường chuyên, Phú lên trọ học ở thành phố Bến Tre tại nhà người thân.
Trước thời điểm phải đi cấp cứu, Phú đã thấy chóng mặt khi làm việc nặng, hạch nổi ở cổ nhưng chỉ nghĩ do học hành căng thẳng. Khi người cha có mặt ở bệnh viện, nhìn tờ kết quả sau khi xét nghiệm cùng phiếu chuyển viện, ông chỉ kịp báo gấp cho vợ chạy đi "mượn tiền càng nhiều càng tốt" rồi khẩn trương cùng xe cấp cứu đưa Phú lên TP.HCM.
Lúc đó Phú đang học lớp 11 toán - tin, từng đoạt huy chương bạc hội thi học sinh giỏi Olympic 30.4 môn tin học, là thành viên đội tuyển của trường dự thi học sinh giỏi vòng tỉnh. Biến cố bệnh tật buộc cậu học trò phải bước vào một cuộc thi khác của số phận, mà đề thi chính là căn bệnh ung thư máu.
"Nhờ tin học mà hết sợ bệnh!"
Phú nhập viện nằm ở phòng cấp cứu ba ngày thì được chuyển lên khoa huyết học người lớn, được ít tuần thì chuyển lên khoa ghép tế bào gốc cho đến nay. Anh Nguyễn Văn Nguơn, cha Phú xuất hiện với chiếc áo xanh mà cách đó dăm ba ngày chúng tôi đã thấy trong bức ảnh đăng trên mạng xã hội của một giáo viên trường chuyên Bến Tre.
Công việc thợ hồ nặng nhọc cộng với những ngày quên cắt tóc, cạo râu vì mải chăm con khiến anh già sọp so với tuổi 43. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, không biết bao lần nước mắt ngắn dài sau khi nghe con bị bạo bệnh. Đó là lần đầu họ lên TP.HCM với tình cảnh không người quen, không biết đường sá… Và cũng lần đầu tiên trong đời làm cha mẹ, họ phải nói dối đứa con duy nhất của mình về bệnh tình: "Trước mặt con, vợ chồng tôi cứ làm bộ vui vẻ, khuyên con ráng chữa trị cho mau khỏi bệnh để sớm về nhà nhưng cứ ra hành lang là không kìm được nước mắt", chị Hương thổ lộ.
Mỗi bệnh nhân có một khẩu phần, hai vợ chồng chia nhau ăn rồi chạy ra ngoài mua cho Phú những món con thích.Cứ mỗi lần con đã say giấc, họ lại lui cui ra hành lang tìm chỗ ngủ. Đã hơn nửa năm như vậy…
Thế nhưng họ quên mất rằng con mình là học sinh giỏi về công nghệ thông tin. Từ nỗi hồ nghi khi nhìn những bệnh nhân xung quanh, Phú lên mạng tìm kiếm câu trả lời về bệnh tình của mình. Rồi một ngày nọ, trước đôi mắt đỏ hoe của mẹ, cậu con trai trấn an: "Cha mẹ giấu con không à, con biết hết trơn rồi".
Những lúc không bị thuốc men hành hạ, cậu con trai lại lôi cha, mẹ dán mắt vào màn hình chiếc máy tính xách tay để xem những bài viết, thông tin lạc quan về căn bệnh. Điều đó lại được kiểm chứng từ những giải thích, trấn an của đội ngũ y bác sĩ.
Gánh nặng tâm lý dần được gỡ bỏ nên những cơn hành hạ mỗi lần vô thuốc, Phú quen dần. Thương mẹ cha, Phú bươn qua mọi mỏi mệt, chịu khó ăn uống đều đặn. "Phác đồ điều trị còn dài nhưng em không mất lạc quan, thấy hạch đã biến mất, người cũng khoẻ hơn. Nhờ tin học mà em hết sợ bệnh", Phú thẳng thắn.
Nỗi lo bệnh tình coi như ổn nhưng gánh nặng viện phí, thuốc men còn đó. Điều may mắn là "cuộc thi" của Phú đã xuất hiện "quyền trợ giúp". Ngoài đến thăm cậu học trò cưng của trường, thầy cô và bạn bè còn lên mạng kêu gọi mọi người chung tay giúp đóng viện phí và thuốc men cho cậu học trò nghèo.
Thông tin lập tức lan toả và nhận được phản hồi tích cực, như xác nhận của anh Nguơn: "Nhờ thầy cô, bạn bè và những người hảo tâm mà đến nay Phú không còn phải chật vật lo tiền nong chữa trị như trước". Phú cho biết: "Trường đã chấp nhận cho em bảo lưu kết quả, điều trị xong chắc chắn em sẽ đi học tiếp vì em rất nhớ bạn bè và trường lớp".
"Cuộc thi" của Phú vẫn còn thời gian nhưng có vẻ, cậu học trò xứ dừa đã đưa ra được lời giải xuất sắc.
ThS.BS Huỳnh Văn Mẫn, phó trưởng khoa ghép tế bào gốc, bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM cho biết: Ung thư máu là tên gọi chung, trong đó chia ra nhiều loại như ung thư máu cấp tính, mãn tính… Xác suất của bệnh này từ 4 - 5 người/100.000 bệnh nhân và không kiêng độ tuổi nào. Bệnh nhân Phú mắc chứng bạch cầu cấp dòng lympho T. Với bệnh ung thư máu, phác đồ điều trị là hoá trị, nếu suôn sẻ thì mất sáu đến tám tháng và chia làm nhiều đợt, mỗi đợt như vậy mất khoảng một tháng rưỡi. Sau đó, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy để xạ não và chuyển sang điều trị duy trì. Về sau, mỗi tháng bệnh nhân đến bệnh viện một lần để tiêm và nhận thuốc uống. Giai đoạn này nếu có người cho tuỷ phù hợp, sẽ tiến hành ghép tuỷ. Ghép tuỷ tiến hành vào giai đoạn hai hoặc ba của đợt hoá trị là tốt nhất.