Chiều ngày 21.3, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Dân Việt ông Lê Ngọc Kích, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết huyện đã cử cán bộ rà soát, thống kê mức độ thiệt hại của người dân sau khi bị mưa đá có đường kính từ 1 đến 3cm xuất hiện vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 20.3.
Theo số liệu thống kê ban đầu, trên 100 nhà dân bị mưa đá làm hư hại, hàng chục cơ quan địa phương tại xã Trà Mai, khu vực quanh trung tâm hành chính huyện bị tốc mái, thủng tôn. Một diện tích lớn lúa, hoa màu của người dân bị hư hại nặng, ngoài ra mưa đá cũng làm ngã đổ nhiều trụ điện, hư hại đường dây, đến cuối giờ chiều trên địa bàn huyện vẫn chưa có điện trở lại.
Mưa đá xuất hiện trên diện rộng ở huyện Đông Giang vào chiều ngày 20.3. Ảnh bạn đọc cung cấp |
Theo ông Kích, về thiệt hại mùa màng do mưa đá gây ra, sau khi khảo soát tổng thể, huyện sẽ có hướng hỗ trợ về gạo cho người dân. Còn đối với những hộ thiệt hại về nhà cửa, huyện sẽ có văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam có hướng hỗ trợ, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm sản xuất. Vì mức độ thiệt hại nhà cửa khá nặng và ngoài khả năng khắc phục của huyện.
Cũng trong ngày, ông Đỗ Tài, Chủ tịch huyện Đông Giang, cho biết không riêng gì mưa đá xuất hiện vào chiều ngày 20.3 tại xã Ating, mà còn xuất hiện trên diện rộng ảnh hưởng đến xã Ba, Sông Côn của huyện Đông Giang nữa, hiện lực lượng chức năng huyện đang đi thống kê số lượng hoa màu của dân bị thiệt hại do mưa đá gây nên, rất may mưa đá tại địa phương chưa làm thiệt hại về nhà của dân.
Uớc tính sơ bộ, tổng thiệt hại ban đầu khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngay sau khi có mưa dông, nước đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tăng lên, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại xuất hiện động đất. Trong đêm 20 rạng sáng ngày 21.3 đã liên tục xảy ra tới 4 trận động đất cường độ nhỏ. Trong đó, hai trận động đất lúc 21 giờ 48 phút tối 20.3 và 3 giờ 40 phút ngày 21.3 gây dư chấn tương đối mạnh, làm rung chuyển toàn vùng núi Trà My khiến nhiều người dân thức giấc.
Trương Hồng