Dân Việt

Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số: Không hoàn thành mục tiêu

14/09/2012 10:01 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử thừa nhận như vậy chiều 13.9, khi Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Dàn trải nguồn lực, quản lý chồng chéo

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Giàng Seo Phử cho biết, từ năm 2002 đến năm 2011, số hộ cần thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là 558.485 (chưa tính số hộ cần hỗ trợ theo các chương trình tái định cư thuộc các dự án thuỷ điện và khu kinh tế quốc phòng). Tổng ngân sách T.Ư hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ năm 2002 đến năm 2011 là hơn 23.009 tỷ đồng.

img
Đã có 333.995 hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử thừa nhận, sau 10 năm thực hiện, kết quả đạt được vẫn còn thấp, chưa hoàn thành mục tiêu. Có nhiều nguyên nhân, như nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp cho đồng bào, hay nhiều nơi đất khai hoang để cấp cho đồng bào không còn hoặc còn nhưng rất ít. Có nơi giá đất quá cao, với mức hỗ trợ và thêm cả phần vốn vay theo quy định hiện hành cũng không đủ để thực hiện. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách này chưa chặt chẽ...

Là đơn vị thẩm tra báo cáo, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết, qua 10 năm thực hiện chính sách, đã có 333.995 hộ đồng bào DTTS nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Đến nay, vẫn còn trên 300.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002 - 2008).

“Điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS đang có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn, vẫn đang tiềm ẩn những bất ổn, vẫn còn khoảng cách khá xa so với cả nước” - ông Ksor Phước băn khoăn.

Về nguyên nhân, ông Ksor Phước cũng nhận định, “do có quá nhiều đầu mối quản lý, mỗi bộ quản lý một chương trình, trong khi Ủy ban Dân tộc chưa bảo đảm tốt vai trò “nhạc trưởng” dẫn đến có sự chồng chéo, thiếu tập trung, khó phối hợp trong chỉ đạo, quản lý, dàn trải về nguồn lực”.

Phải có giải pháp căn cơ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: Một số địa phương khi đưa ra việc giải quyết chính sách đất ở thì gặp phải khó khăn, như ở các huyện thuộc vùng cao nguyên núi đá tỉnh Hà Giang, phải có giải pháp nào? Chủ tịch Ksor Phước thừa nhận đây chính là vấn đề nan giải nhất: “Không đất, cũng không nước luôn, khó khăn lắm, chỉ còn cách phải giải quyết bằng việc làm và đưa ra giải pháp đồng bộ chứ không thể bỏ được vì đây toàn là vùng biên giới Tổ quốc. Trên thực tế, những vùng này dân cũng bỏ vào phía Nam tìm đất sống rất nhiều. Chúng ta phải đầu tư để phát triển các vùng biên giới theo đặc thù khó khăn riêng biệt”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hỏi: Có 20 dự án thủy điện ảnh hưởng lớn tới đất ở, sản xuất? Ông Ksor Phước thừa nhận, với các dự án thủy điện thì đúng là còn lắm tồn tại. “Đơn cử như Thủy điện Sơn La, ở khu vực tái định cư người ta cấp đất sản xuất 3.000m2/người. Chính quyền thì nói đất tốt, nhưng chúng tôi đi giám sát thì bà con kêu đất xấu lắm, không trồng cây được”.

Trước những vấn đề nan giải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề xuất giải pháp tháo gỡ: “Thứ nhất là phải quy hoạch phân bố lại đất đai. Đất nông, lâm trường phải tính toán lại, vẫn còn đất hoang hóa do quản lý chưa tốt. Giải pháp thứ hai là tăng cường đất khai hoang phục hóa cho dân. Nhưng căn cơ nhất là phải tạo công ăn việc làm, dạy nghề cho nông dân, xóa nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...”.

Chốt lại vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Phải làm tiếp, làm tới cùng để đồng bào có đất ở, được sản xuất, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Chủ tịch cũng gợi ý: “Đối với đất lâm trường, chủ yếu giao cho các tỉnh, nhưng đồng bào dân tộc hoàn toàn có thể sử dụng làm đất ở, nhưng phải có quy hoạch. Đối với bà con ở vùng núi đá Hà Giang, Cao Bằng, đất ở giải quyết được, còn đất sản xuất thì khó, do đó phải có chính sách và buộc phải tổ chức lại sản xuất hay tính chuyện xuất khẩu lao động”.