Dân Việt

Nông dân quay cuồng với nắng, sản xuất lao đao

18/05/2013 10:26 GMT+7
(Dân Việt) - Những ngày qua, nắng nóng ở miền Trung đã lên đến đỉnh điểm, biến nơi đây thành “chảo lửa”, làm đảo lộn đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ngất trên ruộng vì nắng nóng

Mặc dù đây là thời điểm mới bắt đầu mùa hè nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện nắng nóng trên diện rộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Anh Mai Thanh Tuệ (32 tuổi, một người dân xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) than thở: “Thời tiết quá khắc nghiệt khiến 400 con gà gần 1 tháng tuổi của gia đình tui đang chết dần chết mòn. Mặc dù cả nhà phải chịu nóng để đưa quạt mát ra phục vụ cho đàn gà cả ngày lẫn đêm nhưng cũng không thể làm dịu đi cái nắng nóng gay gắt như hiện nay”.

img
Nông dân Nghệ An mệt nhoài giữa đồng vì nắng nóng.

Ông Đỗ Đình Thơm, một người dân huyện Hải Lăng, đang gánh lúa lên bờ cũng hổn hển cho biết: “Thời gian sản xuất và sinh hoạt của người dân chúng tôi trong thời gian qua bị đảo lộn hoàn toàn. Chúng tôi phải tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa từ lúc 4- 5 giờ sáng để trưa còn về nhà tránh nắng. Buổi chiều cũng phải 3- 4 giờ mới ra đồng làm việc được”.

Tại chảo lửa Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An), nhiệt độ luôn trên 40 độ C cộng với gió tây nam khiến cái nắng càng thêm gay gắt. Theo lãnh đạo của các huyện này thì các trường học ở Huổi Tụ (Kỳ Sơn) và Châu Khê, Cam Lâm (Con Cuông), tình trạng khan hiếm nước đã diễn ra từ đầu tháng. Thầy cô giáo và học sinh phải đi bộ vào rừng hàng km mới cõng được nước về.

Tại vựa lúa huyện Yên Thành (Nghệ An), nắng hầm hập như thiêu như đốt nhưng bà con nông dân vẫn phải vật vã với cái nóng khủng khiếp này để thu hoạch lúa xuân cho kịp thời vụ. Anh Nguyễn Văn Nam ở xã Tây Thành thở dài: “Nắng kinh khủng quá. Có vài người đã ngất xỉu ngay trên ruộng. Kể cả trâu bò cũng không chịu đi ra đồng, nếu được ra đồng là nhảy xuống sông, xuống kênh cho mát, không chịu làm”.

Tại Bình Định, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, cho biết, vụ hè thu 2013, tỉnh đang có 3.138ha (trong tổng số 42.800ha đất nông nghiệp) phải bỏ trắng sản xuất do thiếu nước tưới. Số diện tích lúa đang được các địa phương chuyển sang cây trồng cạn là 3.250ha (đậu phộng, bắp, mè...).

Tại Quảng Ngãi, nhiều thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên gần 40 độ. Hàng trăm ha ruộng lúa hè thu vừa xuống giống khô cháy. Theo thống kê, chỉ riêng huyện Đức Phổ, do nước chứa ở hồ Liệt Sơn xuống quá thấp nên 800 ha lúa vụ hè thu năm nay của địa phương này phải bỏ hoang.

Nước sạch giảm, bệnh tật tăng

5 ngày trở lại đây, người dân tại Thừa Thiên- Huế khốn đốn vì nắng nóng. Huyện miền núi Nam Đông là nơi nắng nóng xảy ra gay gắt nhất nên đời sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Biên- Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) cho biết, nắng nóng những ngày qua đã khiến 200 hộ dân tại các thôn 3, 4, 5 và 6 của xã bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong đó, hệ thống nước tự chảy tại thôn 3 và thôn 4 đã tê liệt hoàn toàn trong nhiều ngày qua. Tình trạng này khiến lượng lớn hộ dân ở xã hàng ngày phải gùi nước từ các con suối ô nhiễm mang về sử dụng nên nguy cơ mắc dịch bệnh rất lớn.

Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND xã Hương Hòa (huyện Nam Đông) - cho biết, những ngày qua, nhiều thời điểm nhiệt độ ở xã lên tới 42- 43 độ C. Hiện có 30ha rừng tự nhiên và rừng keo của người dân nơi đây có nguy cơ bị cháy bất cứ lúc nào vì nắng nóng.

Bà Nguyễn Thị Hà ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Nắng nóng đã khiến nước dự trữ của chúng tôi hết sạch. Hàng ngày, tôi phải đội nắng lên núi Nam Giới mua nước sạch với giá 4.000-5.000 đồng/can 20 lít.

Nhiệt độ tăng cao đã khiến số lượng người dân mắc bệnh ở các tỉnh miền Trung cũng tăng đột biến, nhất là trẻ em. Theo Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện T.Ư Huế, hiện mỗi ngày có đến 350 trẻ em đến khám và điều trị tại trung tâm, tăng 50% so với những ngày trước đó. Các loại bệnh trẻ em bị mắc phổ biến nhất là hô hấp và tiêu hóa, một số trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng.